Kỳ vọng cổ phiếu thép và xi măng

Theo các chuyên gia phân tích, thị trường thép và xi măng được kỳ vọng phục hồi trong những tháng cuối năm 2020, tăng 4-5% so với cùng kỳ năm trước, do chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng và gia tăng đầu tư công (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép).

Nhận định này còn được củng cố bằng lập luận cho rằng do Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội Quặng sắt và Thép Trung Quốc, mức tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2020 và 2% cho cả năm 2020.

Trên thực tế, các thống kê đều cho thấy sản lượng tiêu thụ thép đã phục hồi tích cực trong quý 2 vừa qua do nhu cầu từ mảng dân dụng. Cụ thể, so với mức giảm 14% so với cùng kỳ trong quý 1, mức giảm 1% so với cùng kỳ trong quý 2 có thể được coi là một dấu hiệu phục hồi. Nhu cầu trong nước thậm chí còn tăng lên 1% so với cùng kỳ trong quý 2 so với mức giảm 13% trong quý 1. Điều này là do nhu cầu dồn nén từ quý 1 cũng như sức tiêu thụ ổn định trong kênh xây dựng dân dụng.

Áp lực cạnh tranh đối với thép xây dựng gia tăng, song Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nổi lên là một hiện tượng thu hút giới đầu tư khi đang gia tăng thị phần trong mảng thép xây dựng, tăng 31% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ chủ yếu nhờ sự đóng góp của Khu liên hợp Dung Quất. Trong khi hầu hết các công ty sản xuất khác đều có sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 10-20%, sản lượng tiêu thụ của HPG tăng 12% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020.

Lợi nhuận của các công ty tôn mạ cũng phục hồi nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Theo đó, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Thép Nam Kim (NKG) lần lượt giảm -2% và -11% trong quý 2 so với cùng kỳ do kênh xuất khẩu chững lại. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ khi biên lợi nhuận gộp cải thiện.

Về triển vọng năm 2021, các nhà phân tích ước tính, nhu cầu thép nội địa sẽ tăng khoảng 3%-5% nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất của Việt Nam.

Với ngành xi măng, các nhà phân tích cũng dự báo nhu cầu xi măng trong nước sẽ phục hồi, tăng 3% trong nửa cuối năm 2020 so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh đầu tư công.

Trên thực tế, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các công ty xi măng hàng đầu vẫn đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong mảng kinh doanh cốt lõi. Chẳng hạn Công ty Xi Măng Vicem Hà Tiên (HT1) đạt mức tăng trưởng 6% về lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong 6 tháng đầu năm. Trong năm 2020, ước tính lợi nhuận trước thuế của HT1 tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể tăng 4% so với cùng kỳ. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp trong ngành này sẽ tiếp tục diễn ra, được hưởng lợi từ giá than đầu vào giảm, cũng như các biện pháp cắt giảm chi phí tích cực.

Điểm tích cực là dù mức tiêu thụ xi măng trong nước giảm 12% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nhu cầu đã phục hồi vào quý 2 khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Theo đó, mặc dù sản lượng xi măng trong nước vẫn giảm 7% trong quý 2 so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn nhiều so với mức giảm 18% trong quý đầu năm.

Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, kênh xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn, với sản lượng tăng 24% so với cùng kỳ trong quý 2 sau khi giảm 10% so với cùng kỳ trong quý 1, một phần cũng nhờ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Do đó, tổng sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 35% so với cùng kỳ và chiếm 52% tổng sản lượng xuất khẩu.

Về triển vọng năm 2021, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu xi măng có thể phục hồi 3%-5% so với năm 2020 do sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, HT1 được đánh giá là khả quan với lợi nhuận ròng ước tính tăng 11% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, và chi phí lãi vay giảm.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ky-vong-co-phieu-thep-va-xi-mang-105925.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.