Kiểm soát tốt để thực phẩm an toàn
09:42 | 21/08/2020
Qua công tác thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền kiến thức, người dân đã nâng cao được hiểu biết và ý thức trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, biết cách lựa chọn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên, sử dụng nguyên liệu có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 47/2018 về triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP.HCM từ 10/7/2019 đến 10/7/2020. Chính vì vậy, thành phố đã hình thành được cơ chế kiểm tra thường xuyên về vệ sinh ATTP hàng hóa đưa vào 3 chợ đầu mối, các siêu thị và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.
Thông qua công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý, người kinh doanh đã được tác động đến ý thức, trách nhiệm đối với việc đảm bảo vệ sinh ATTP và cũng làm tiền đề cho cơ chế tự kiểm tra của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, với mục tiêu được quán triệt xuyên suốt từ thành phố đến tận phường, xã, thị trấn là “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”, các đơn vị đã triển khai quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động tuyên truyền - giáo dục; công tác giám sát lấy mẫu; công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Chính vì vậy, trong giai đoạn thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP, trên địa bàn TP.HCM chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 24 người, không có người bị tử vong. Số vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh. Tỷ lệ mẫu thực phẩm không đạt về ATTP là 8,84% (156/1.764 mẫu), chủ yếu vi phạm chỉ tiêu vi sinh. Một số lượng không nhỏ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B) trong thời gian thực hiện thí điểm. Trước khi thực hiện thí điểm, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C là 912 cơ sở. Sau khi thực hiện thí điểm: số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được nâng hạng từ xếp loại C lên A, B là 749 cơ sở (82,13%).
Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định, công tác thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành ATTP là một hoạt động rất cần thiết để giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm. Tuy nhiên đối với tuyến phường, xã thì công tác thanh tra chuyên ngành ATTP chưa thực sự hiệu quả do còn nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan. Để khắc phục các trở ngại này, lãnh đạo UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành ATTP, tiếp tục xem xét quy định đơn giản hóa trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP cho tuyến quận, huyện cũng như phường, xã, thị trấn để các đoàn thanh tra dễ thực hiện...
“Qua công tác thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền kiến thức, người dân đã nâng cao được hiểu biết và ý thức trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, biết cách lựa chọn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên, sử dụng nguyên liệu có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Lan cho biết.
Lâm Ngọc