Trí tuệ nhân tạo: Chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang có rất nhiều dư địa tiềm năng để phát triển và đây chính là chìa khóa để giúp doanh nghiệp vượt cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhìn nhận này được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Phục hồi hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19”.   
ai chia khoa giup doanh nghiep vuot khung hoang
AI đang có rất nhiều dư địa tiềm năng để phát triển

Nhiều dư địa cho AI

Tiến sĩ Stefan Hajkowicz, Trưởng nhóm Nghiên cứu nhóm chuyên gia kỹ thuật số của Cơ quan Khoa học quốc gia của Austrailia cho biết, AI hiện diện ở mọi lĩnh vực kinh tế, địa phương của nước này. Ngay lúc này, các chuyên gia hàng đầu của Australia đang dùng công nghệ phục vụ việc điều chế vaccine Covid-19.

“Công nghệ AI hỗ trợ rất tốt cho các bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu. Đặc biệt là AI rút ngắn thời gian ở nhiều công đoạn điều chế vaccine”, tiến sĩ Stefan Hajkowicz nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Canada, bà Joumana Ghosn - Giám đốc Nghiên cứu ứng dụng - Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Mila (Canada) cho biết, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rất gần gũi và đa dạng trong cuộc sống.

Bà Joumana Ghosn đã giới thiệu một số dự án AI nổi bật mà Viện Mila đang triển khai như áp dụng thăm khám từ xa giúp cho các bệnh nhân giao tiếp, trao đổi với bác sỹ, sử dụng hệ thống hỏi đáp tự động bằng ngôn ngữ tự nhiên; phối hợp với doanh nghiệp khai khoáng mỏ địa chất, tự động phân tích ảnh 3D khi khảo sát vùng mỏ; dự đoán điều kiện thời tiết từ 0 - 6 giờ, sử dụng dữ liệu rất ít từ địa phương nhưng đưa ra các dự đoán thời tiết chính xác.

Hiện Viện Mila cũng đang hợp tác với Chính phủ Canada để xây dựng hệ thống giải đáp các câu hỏi từ người dân và doanh nghiệp về dịch bệnh. Phiên bản đầu tiên thực hiện trong 2 tháng rưỡi với nguồn dữ liệu, thông tin thu thập từ các chuyên gia.

Nhận định về tiềm năng áp dụng AI tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Viện Mila cho biết, tại Việt Nam, còn nhiều khoảng trống cho AI. Ngoài những ứng dụng trong eKYC (định danh khách hàng điện tử), AI còn cho nhiều thành tựu trong lĩnh vực dịch vụ dịch thuật, thành phố thông minh, quản lý đô thị, giao thông.

“Hiện AI đã phát triển trên thế giới từ lâu, dẫn đầu là Bắc Mỹ với các công ty công nghệ lớn. Làn sóng tiếp theo từ Đức, Nhật Bản. Với Việt Nam, chúng ta còn nhiều khoảng trống cho AI. Trí tuệ nhân tạo có thể len lỏi mọi ngành. Điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế, nông lâm thuỷ sản... để phát huy”, chuyên gia này khẳng định.

Tận dụng lợi thế của AI

Là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, lĩnh vực ngân hàng – tài chính cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, do đó không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch, đơn cử như về nợ xấu. Ngoài tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp, hoạt động hàng ngày của ngân hàng cũng chịu hưởng, như việc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng bị gián đoạn, khiến lượng giao dịch trầm lắng.

Ông Lân khẳng định “trong cái khó, ló cái khôn”. Để ứng phó với đại dịch, VietinBank đã và đang triển khai tích cực nhiều biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, giãn nợ... cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ, làm việc từ xa, gặp mặt khách hàng từ xa, tạo thuận lợi cho khách hàng, giúp họ giảm được chi phí đi lại, thời gian mà vẫn đạt hiệu quả.

Ngân hàng này cũng thúc đẩy triển khai ứng dụng online banking trong giao dịch, chỉ 6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng online mới của VietinBank tăng hơn nửa triệu khách hàng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết thêm, hiện VietinBank đang hợp tác với FPT triển khai ứng dụng chatbot để giải đáp các thắc mắc trong nghiệp vụ nội bộ của ngân hàng. Từ những tình huống hay gặp phải của nhân viên, hệ thống đào tạo để chabot hiểu và từ đó tự động trả lời cho nhân viên. Thay vì việc phải chờ sự giúp đỡ từ các bộ phận, nhân viên hoàn toàn có thể chat với chatbot để nhận được câu trả lời nhanh gọn.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup) cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. “Cách làm trí tuệ nhân tạo của VinAI Research không xa rời triết lý chung của Tập đoàn, đó là tốc độ”, ông Lâm nói.

Khi ra mắt mẫu Vsmart, VinAI Research đã chủ động sản xuất được công nghệ FaceID thay vì phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua công nghệ này từ Mỹ hoặc Trung Quốc, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

ai chia khoa giup doanh nghiep vuot khung hoang

Ngân hàng Nam Á đưa robot vào giao dịch

Cần tốc độ và sự quyết tâm

Theo ông Nguyễn Thành Lâm, làm AI cần tốc độ, nhưng cũng phải quyết tâm. VinAI Research có những con người giỏi, tài năng và cả sức ép để hoàn thành nhiều sản phẩm. Tuy nhiên kinh phí vẫn là yếu tố rất quan trọng để cho ra đời những sản phẩm trí tuệ nhân tạo chất lượng.

Trao đổi về kinh nghiệm ứng dụng AI một cách hiệu quả nhằm nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, bà Joumana Ghosn chỉ ra 3 yếu tố quan trọng: vai trò của các lãnh đạo cấp cao, trang bị đủ nguồn lực con người và sẵn sàng cho các rủi ro.

Để ứng dụng AI một cách hiệu quả, đại diện Viện AI Mila cũng liệt kê một loạt các điểm quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp hiện nay lúng túng trong quá trình cập nhật công nghệ.

Đầu tiên, hệ thống AI trong doanh nghiệp cần liên tục cải thiện. Với những lỗi sai, nên kiên nhẫn vì lỗi sai sẽ ngày càng giảm nhờ AI. Đây là quá trình tự học và hoàn thiện của công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tiếp “nhiên liệu” là dữ liệu cho hệ thống trí tuệ nhân tạo. Phải có dữ liệu thì những hệ thống này mới tạo ra giá trị. Ngoài ra, những máy chủ lớn cũng rất quan trọng cho việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia công nghệ chất lượng sẽ giúp cải tiến những sản phẩm AI nhanh hơn. Do đó những nhân sự ngành này thường được săn đón bởi các tập đoàn lớn. Trí tuệ nhân tạo cũng biến động không ngừng với những bài toán mới đặt ra. Doanh nghiệp cần vận động theo chu kỳ chung này nếu muốn các sản phẩm luôn tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Cuối cùng, một trong những lí do chính khiến doanh nghiệp dễ thất bại trong việc ứng dụng AI là thời gian thực hiện và chi phí dự án. “Chúng tôi thường đưa ra lời khuyên là doanh nghiệp phải tính toán thành tố này dựa trên nguồn lực hiện có. Thời gian và chi phí nếu vượt quá điều kiện thực tế sẽ làm dự án AI thất bại nhanh chóng”, bà Joumana Ghosn chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tri-tue-nhan-tao-chia-khoa-giup-doanh-nghiep-vuot-khung-hoang-105553.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.