101 tỷ USD để thúc đẩy phục hồi
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati mới đây cho biết, từ nay đến tháng 12, Chính phủ sẽ tăng mạnh chi tiêu, tổng cộng lên khoảng 1.476 nghìn tỷ rupiah (101 tỷ USD) để thúc đẩy phục hồi kinh tế. “Chúng tôi sẽ tăng tốc chi tiêu, chủ yếu cho các hoạt động bảo trợ xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp, và thúc đẩy các bộ và các tổ chức vào cuộc. Với tất cả các bước được triển khai, chúng tôi hy vọng sẽ giúp kích thích hoạt động kinh tế trong những tháng tới”, bà Indrawati nói.
Kinh tế Indonesia tăng trưởng -5,32% trong quý II vừa qua, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1999. Trong bối cảnh tiêu dùng và đầu tư tư nhân đều yếu, các quan chức đang chuyển sang các biện pháp tài khóa để phục hồi tăng trưởng, cố gắng ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng âm trong năm 2020. Nhưng nếu không thành công như ý trong việc ngăn chặn đại dịch thì những nỗ lực để khôi phục các hoạt động kinh tế đầy đủ có thể sẽ không đạt được như kỳ vọng.
![]() |
Indonesia chi tài khóa mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát tiếp tục là cản trở lớn |
Dù Chính phủ Indonesia trước đó đã tung gói kích thích kinh tế trị giá gần 50 tỷ USD và NHTW đã cắt giảm lãi suất nhiều lần nhưng nền kinh tế vẫn đối diện nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng. Cho tới lúc này, các số liệu chính thức cho thấy Chính phủ mới chi được chưa đến 25% trong số gần 50 tỷ USD gói kích thích tài khóa đã cam kết.
Trong một báo cáo mới đây, Joseph Incalcaterra, nhà kinh tế ASEAN của Tập đoàn HSBC nhận định: “Đảo ngược được quá trình chi tiêu chậm này là rất quan trọng để phục hồi tăng trưởng. Dù tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể không thu hẹp mạnh như một số nền kinh tế khác trong khu vực, nhưng vẫn rất cần các hỗ trợ chính sách để phục hồi mạnh hơn và có thể cần hỗ trợ trong một thời gian dài”. Báo cáo của HSBC dự báo GDP của Indonesia tiếp tục suy giảm ở mức 0,9% trong quý III này. “Trong khi chính sách tài khóa dự kiến sẽ giúp hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn, thì các hỗ trợ từ chính sách tiền tệ cũng cần tiếp tục, với khả năng NHTW sẽ giảm lãi suất 0,5% vào cuối quý I/2021”, chuyên gia Incalcaterra nhận định.
Lo sợ làn sóng Covid thứ hai
Doanh số bán lẻ trong nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng này đã bị đánh gục vì đại dịch Covid-19. Trong khi đó chỉ số quản lý mua hàng mới nhất cũng cho thấy, ngành sản xuất tiếp tục khó khăn. Chỉ có các mặt hàng xuất khẩu như than đá và dầu cọ cho thấy một số cải thiện trong những tháng gần đây.
Chính phủ Indonesia đã nhiều lần phải hạ dự báo tăng trưởng năm nay và ở lần gần nhất, mức tăng trưởng GDP năm nay chỉ trong khoảng từ -0,4% đến +1%. Theo bản cập nhật báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố tuần trước, nền kinh tế này dự báo có thể tăng trưởng ở mức -0,8% trong năm nay.
Các chuyên gia lo ngại về sự bùng phát của làn sóng Covid-19 thứ hai trên thế giới nói chung, Indonesia nói riêng càng khiến phục hồi tăng trưởng trở nên bất định. Theo Sung Eun Jung, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, sự phục hồi của tiêu dùng tư nhân có thể sẽ dần diễn ra trong phần còn lại của năm nay. Tuy nhiên, việc thủ đô Jakarta và các vùng ngoại ô đang phải trì hoãn việc nới lỏng thêm các hạn chế đi lại (do gia tăng các ca nhiễm Covid-19 hiện nay) có thể là lực cản của sử phục hồi này.
“Trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát và hệ thống y tế đang quá tải, chúng tôi dự báo sự phục hồi sẽ diễn ra chậm và nhiều khả năng tăng trưởng nửa cuối 2020 vẫn ở mức âm trước khi dương trở lại vào năm 2021”, chuyên gia này cho biết. Tuy nhiên, mảng xuất khẩu có thể được hưởng lợi ở một mức độ nào đó từ nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại của Trung Quốc.
Trong đối phó với đại dịch Covid-19, Indonesia không áp dụng đóng cửa trên toàn quốc như một số nước láng giềng và từ tháng 6 trở lại đây đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế đi lại. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận đã tăng gấp gần 4 lần kể từ đó tới nay, với tổng số ca nhiễm hiện khoảng trên 116 nghìn và số tử vong đã trên 5.400 ca, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo Capital Economics, nếu không triển khai các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đại dịch, sẽ rất khó để Indonesia có thể phục hồi kinh tế hoàn toàn. Tổ chức này thậm chí dự báo GDP của Indonesia có thể ở mức âm 3% trong năm nay. “Sợ hãi mắc virus khiến mọi người sẽ không sẵn lòng tiếp tục cuộc sống bình thường như trước đây. Giãn cách xã hội sẽ cần phải kéo dài lâu hơn. Phản ứng chính sách của Indonesia hiện nay là chưa đủ”, chuyên gia kinh tế Shaw Gareth Leather của Capital Economics nhìn nhận.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/indonesia-chi-manh-tay-de-thuc-day-kinh-te-105318.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.