Cơ cấu thu nhập ngân hàng có sự dịch chuyển

Hệ thống ngân hàng đã và đang có những giải pháp để giảm thiểu việc lệ thuộc vào hoạt động cho vay, tăng thu từ phi tín dụng.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, phần lớn ngân hàng có tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, dù thực tế là ở mức khiêm tốn so với những năm trước. Đáng chú ý ở đây, là cơ cấu nguồn thu của các nhà băng cũng đang cho thấy có sự chuyển dịch, khi thu từ phi tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối… có xu hướng tăng lên. Đây được xem là một trong những nguyên do khiến cho thu nhập lãi thuần ở nhiều ngân hàng dù có sự sụt giảm, nhưng tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh nói chung vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu thu nhập ngân hàng có sự dịch chuyển
VietinBank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 11,7% so với cùng kỳ

Ở khối các NHTM Nhà nước, báo cáo tài chính quý II của VietinBank công bố cho thấy, tính đến 30/6/2020, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 643 tỷ đồng tăng 72,8% so với cùng kỳ; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 126 tỷ đồng, tăng 26 lần so với cùng kỳ… Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lãi thuần hoạt động dịch vụ của nhà băng này tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.100 tỷ đồng.

Với Vietcombank cũng vậy, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục cải thiện trong quý II/2020, khi lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng 7,4%; luỹ kế 6 tháng đạt 2.283 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Hai lĩnh vực tăng trưởng mạnh của Vietcombank trong quý II là ngoại hối và chứng khoán kinh doanh. Theo đó luỹ kế 6 tháng lãi thuần từ ngoại hối đạt 1.928 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ; trong khi lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh đạt 33 tỷ đồng, tăng trưởng 83%.

Với các NHTMCP, VietBank được xem là một trong những nhà băng có sự thay đổi lớn trong cơ cấu thu nhập. Nửa đầu năm 2020, tỷ trọng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này chỉ chiếm 37% so với tổng thu nhập hoạt động kinh doanh trong khi năm 2019 là 82%. Sau 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của VietBank vẫn tăng hơn 15%, nguồn thu từ chứng khoán đầu tư đã đem về cho ngân hàng này 406 tỷ đồng, chiếm 46,8% tổng thu nhập hoạt động kinh doanh. Hay tại SeABank, tỷ trọng thu nhập lãi thuần đã giảm từ 86% xuống 67%, thu nhập từ chứng khoán đầu tư gấp hơn 6 lần (141 tỷ đồng), thu từ các hoạt động kinh doanh khác gấp 63 lần (338 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

VPBank cũng vậy, thu lãi thuần từ phí dịch vụ (NFI) của ngân hàng mẹ trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng gần 42% so với nửa đầu năm 2019, đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của NFI trên tổng doanh thu của ngân hàng mẹ tăng từ 13% trong 6 tháng đầu năm trước lên 15% cùng kỳ năm nay, giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank cũng đạt 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng 57% so với 6 tháng đầu năm 2019, chiếm 16,8% tổng doanh thu. Hoạt động dịch vụ của VietABank cũng đem về khoản lãi hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ đồng…

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính cho rằng, việc giảm dần “độc canh” tín dụng là một trong những mục tiêu và yêu cầu đặt ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” của Chính phủ, khi phấn đấu tới năm 2020 các NHTM tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của mình, bởi rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro phải quản lý chặt chẽ nhất. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ đạt khoảng 12 - 13%, và đến cuối năm 2025 tăng lên mức 16 - 17%. Hệ thống ngân hàng đã và đang có những giải pháp để giảm thiểu việc lệ thuộc vào hoạt động cho vay, tăng thu từ phi tín dụng. Đặc biệt là thời gian qua ghi nhận các ngân hàng hợp tác với công ty bảo hiểm để bán chéo nhằm gia tăng thu từ dịch vụ. Như trường hợp của SCB đã tạo dấu ấn lớn trên thị trường với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động Bancassurance.

Chuyên gia cho rằng trên thực tế, việc chuyển dịch cơ cấu nguồn thu đã có những tiến triển khá tích cực song vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ mạnh để lấp chỗ trống từ hoạt động tín dụng.

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng, tính tới ngày 15/7/2020, dư nợ tín dụng tăng 3,11%, trong khi cùng kỳ tăng 6,8%. Chuyên gia cũng cho rằng, thu từ dịch vụ cũng sẽ gặp khó nếu hoạt động cho vay bị chững lại. Bởi tại Việt Nam, thường là các dịch vụ sẽ đi kèm với cho vay, khách hàng đến vay nhiều sẽ có xu hướng sử dụng những dịch vụ liên quan và ngược lại, khi họ không có nhu cầu vay thì nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhà băng cũng sẽ giảm theo.

CEO của một NHTMCP thừa nhận, việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng gia tăng tỷ trọng thu nhập hoạt động phi tín dụng là xu thế chung, tất yếu của hoạt động ngân hàng trên thế giới. Đây cũng là yêu cầu đặt ra với mỗi NHTM để phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, “muốn nhanh thì phải từ từ, hệ thống ngân hàng Việt Nam lâu nay vốn vẫn phụ thuộc vào thu từ hoạt động tín dụng, và nguồn thu này vẫn là hấp dẫn hơn cả. Các nhà băng hiện cũng đã có ý thức và mục tiêu để chuyển dịch dần thu từ tín dụng sang các hoạt động phi tín dụng khác, đương nhiên đi cùng với đó phải là cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển hiệu quả, trên cơ sở nền tảng ngân hàng hiện đại và đa dịch vụ”, ông này nêu quan điểm.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-cau-thu-nhap-ngan-hang-co-su-dich-chuyen-104736.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.