Thái Lan, Đài Loan có thể vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ

Theo nhận định của UBS Group AG, với việc cả hai nền kinh tế này đều “đạt” tất cả các tiêu chí về thao túng tiền tệ do Bộ Tài chính Mỹ đặt ra, nguy cơ là Thái Lan và Đài Loan có thể bị đưa thêm vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ trong kỳ đánh giá lần này.

Một quốc gia hay nền kinh tế có thể bị đưa vào danh sách giám sát này nếu “chạm” tới hai trong ba tiêu chuẩn đặt ra: 1/ Có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; 2/ Có thặng dư tài khoản vãng lai ít nhất 2% GDP; 3/ Liên tục can thiệp một chiều vào tỷ giá ở mức tương đương với 2% GDP trong sáu tháng/năm.

Thái Lan, Đài Loan có thể vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ
Ảnh minh họa

Theo phân tích của UBS, Đài Loan đã được loại bỏ khỏi danh sách giám sát của Hoa Kỳ vào năm 2017 trong khi Thái Lan hiện đã “đáp ứng” cả ba tiêu chí trên. Cả hai nền kinh tế này đều không bị nêu tên trong báo cáo đánh giá hồi tháng 1 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Hiện tại, cả Thái Lan và Đài Loan đều đã vượt mốc 20 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ. Trong phân tích đưa ra ngày 21/7, các chiến lược gia của UBS bao gồm Rohit Arora và Teck Quan Koh cho rằng, khả năng cao là Thái Lan sẽ bị đưa vào danh sách trong báo cáo tới đây của Bộ Tài Chính Mỹ, trong khi khả năng thấp hơn là Đài Loan sẽ tái xuất hiện trong danh sách này.

Thống đốc NHTW Thái Lan Veerathai Santiprabhob ngày 14/7 cho biết, ông không quan tâm đến báo cáo sắp tới vì quốc gia này đã giải thích chính sách ngoại hối của mình với Bộ Tài chính Mỹ. Đồng Baht đã biến động theo cả hai chiều so với đồng USD và thực sự đã suy yếu từ năm ngoái. Thống đốc Veerathai Santiprabhob cũng cho biết thêm, NHTW chỉ can thiệp nếu có sự thay đổi quá mức vì sử dụng một hệ thống tỷ giá thả nổi được quản lý và Bộ Tài chính Mỹ hiểu rõ điều đó.

Trong khi đó theo Thống đốc NHTW Đài Loan Yang Chin-Long, nền kinh tế này có thể sẽ xuất hiện trong danh sách theo dõi nếu Hoa Kỳ giữ nguyên các tiêu chí trên. Vào tháng trước ông Yang Chin-Long cho biết: “Nguyên tắc của chúng tôi về thời điểm can thiệp vào thị trường ngoại hối vẫn không thay đổi, đó là khi có dòng tiền lớn vào hoặc ra trong khoảng thời gian ngắn. NHTW sẽ duy trì sự ổn định của đồng đô la Đài Loan”.

Theo báo cáo phân tích của UBS, có khoảng 75% các NHTW đã can thiệp “liên tục” vào thị trường ngoại hối. Các quốc gia châu Á chiếm khoảng 60% những nền kinh tế nằm dưới sự giám sát tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

“Mặc dù chúng tôi cho rằng sẽ không có quốc gia/ nền kinh tế nào bị gắn mác “thao túng tiền tệ”, nhưng báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ vẫn có ý nghĩa biểu trưng cho hoạt động của các thị trường ngoại hối”, các chiến lược gia của UBS viết trong báo cáo. Nếu bị đánh giá là có sự can thiệp một chiều liên tục đối với tỷ giá thì điều có nghĩa là các cơ quan chức năng của các nền kinh tế đó cần tập trung vào cải cách các dòng thặng dư tài khoản vãng lai, hoặc cải cách cơ cấu để tránh bất kỳ trừng phạt nào trong trung hạn.

Theo phân tích của UBS, NHTW Thái Lan ước tính đã can thiệp liên tục 10/12 tháng vào thị trường ngoại hối trong suốt năm 2019, với các giao dịch mua ngoại hối ròng chiếm 3,5% GDP. Tuy nhiên, sự gián đoạn do Covid-19 gây ra với ngành du lịch Thái Lan và tác động của nó đến cán cân tài khoản vãng lai làm hạn chế các cơ hội để NHTW Thái Lan có thể tiếp tục mua vào USD trong vòng 6 đến 9 tháng tới.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thai-lan-dai-loan-co-the-vao-danh-sach-theo-doi-thao-tung-tien-te-104454.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.