![]() | Hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực Trung Bộ có hơn 21.200ha cây trồng đang bị thiếu nước và khoảng 33.500ha không đủ nguồn nước tưới nên đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cá biệt, vùng Nam Trung Bộ thời tiết nắng nóng tác động tiêu cực đến khoảng 25.300ha không đủ nguồn nước tưới đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, Quảng Ngãi 1.800ha, Bình Định 5.000ha, Phú Yên 1.000ha, Khánh Hòa 12.000ha, Ninh Thuận 4.000ha và Bình Thuận 1.500ha.
![]() |
Hàng ngàn hecta diện tích đất nông nghiệp do thiếu nước phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, hiện hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn đảm bảo cấp nước được cho 21.000ha cây trồng, chiếm 18,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó lúa 2 vụ đáp ứng tưới được 70% diện tích, còn lại các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, cây lâu năm gần như chưa được tưới bằng công trình thủy lợi.
Thực tế, vào mùa khô, Khánh Hòa thường thiếu khoảng 650 triệu m3 nước. Nguyên nhân là do các hồ chứa nước ở đây hiện chỉ có tổng dung tích khoảng 250 triệu m3, kém xa nhu cầu trữ nước cần thiết (khoảng 1 tỷ m3). Cùng với đó, hiện nay, tình hình nắng hạn lại đang diễn biến phức tạp, nhiều khu vực dân cư cũng đang thiếu nước sinh hoạt.
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sản xuất, nhiều địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã tích cực thực hiện chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu và tiết kiệm nước tưới. Theo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), thời gian qua, địa phương đã thực hiện chuyển đổi hơn 44ha cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả. Năm 2020, huyện Vạn Ninh có kế hoạch chuyển đổi cây trồng với diện tích 162,48ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 93,96ha, diện tích chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả 67,71ha…
Trước tình hình này, tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ đề xuất với Chính phủ hỗ trợ 80 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt đến các khu vực dân cư đang bị thiếu nước trên địa bàn.
Tương tự, tỉnh Ninh Thuận dự kiến cần dừng, giãn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 10.000-11.000ha lúa do thiếu nước tưới. Tuy nhiên, do có nguồn nước bổ sung từ hồ chứa thủy điện Đơn Dương, tổng diện tích phải giãn vụ sang vụ mùa dự kiến đến cuối tháng 7/2020 giảm còn khoảng 4.000ha lúa.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều địa phương của Ninh Thuận do tác động của biến đổi khí hậu đã buộc phải giảm diện tích canh tác. Để ứng phó với những bất lợi tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ động đề ra giải pháp và chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt để duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo đó, ngành Nông nghiệp Ninh Thuận chủ động phối hợp với đơn vị chức năng, các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất phù hợp, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước.
Các giải pháp chuyển đổi cây trồng cạn cũng được UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương kiên trì thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước, gắn với liên kết DN để tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, lâu dài và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Tại Ninh Thuận, vụ Đông Xuân (2019-2020) đã chuyển đổi được hơn 903ha cây trồng cạn, đạt 152,9% kế hoạch vụ, 69,96% kế hoạch năm 2020. Trong đó, chuyển đổi trên đất lúa hơn 764ha, trên đất khác khoảng 139ha.
Cùng đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng chủ động xây dựng kịch bản sản xuất linh hoạt ứng phó với hạn, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây ăn quả, rau, màu…, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, gắn liên kết với DN trong chuyển giao khoa học và kỹ thuật, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị.
Để ứng phó với nắng hạn, chính quyền các tỉnh miền Trung đã chỉ đạo các ngành chức năng, công ty quản lý khai thác các công trình thủy lợi xây dựng phương án phòng, chống hạn cho vụ Hè Thu 2020; đặc biệt ưu tiên nước cho sinh hoạt của người dân, phục vụ công nghiệp, chăn nuôi, những cây trồng có giá trị kinh tế cao...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nam-trung-bo-nhieu-dien-tich-cay-trong-dang-kho-khat-104347.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.