Để đáp ứng nhu cầu thịt lợn trong nước

Các cơ quan chức năng đã xác định những tháng cuối năm phải tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn, mục tiêu quý IV/2020 phải đủ sản lượng thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu khi dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt hơn.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước nhập khẩu 11.411 con lợn giống các loại (tăng 32,6 lần so cùng kỳ 2019), trị giá gần 8,1 triệu USD (tăng 15,3 lần). Lợn giống nhập khẩu từ 4 nước: Thái Lan (chiếm 50,6%), Canada (33,2%), Hoa Kỳ (15,8%) và Đài Loan (0,4%), chủ yếu thông qua các cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Kể từ đầu tháng 4/2020, giá thịt lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao, đã cán mốc 100 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân được chỉ ra là do nguồn cung giảm, đàn lợn nái, lợn con bị chết và phải tiêu hủy nhiều ở thời kỳ cao điểm dịch xảy ra trên toàn quốc từ tháng 5-7/2019, trong khi lại phải hạn chế đưa vào phối giống trong giai đoạn này. Cùng với đó, người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được lợn thịt từ các doanh nghiệp mà phải qua nhiều khâu trung gian, khiến giá thịt lợn hơi bị đẩy lên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Để đáp ứng nhu cầu thịt lợn trong nước
Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả rõ rệt với chăn nuôi lợn

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed… phối hợp tốt. Giá xuất bán lợn thịt tại trại với giá từ 74.000-76.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán lợn thịt, ảnh hưởng đến nguồn cung và góp phần đẩy giá bán lên cao, đại diện Cục Chăn nuôi cho hay.

Các cơ quan chức năng đã xác định những tháng cuối năm phải tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn, mục tiêu quý IV/2020 phải đủ sản lượng thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu khi dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt hơn.

Thực tế hiện đã có 9 tỉnh tăng đàn lợn đạt trên 100% so với trước dịch; 9 tỉnh, thành tái đàn được trên 90%; 23 tỉnh tái đàn trên 70% và 22 tỉnh tái đàn dưới 70%. Riêng đàn lợn thịt của 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn tính đến hết tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn châu Phi là trên 66%, tăng so với 1/1/2020 là xấp xỉ 31%. Hiện tổng đàn lợn nái cả nước đạt trên 2,9 triệu con, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020, trong đó có 115.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Về đực giống, cả nước hiện có trên 64.000 con, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái.

Do đó, Cục Chăn nuôi vẫn tự tin đặt mục tiêu cho mặt hàng thịt lợn năm 2020 tăng 15-17%; Gia cầm tăng 13-15% và sản lượng thịt, tăng 12-13% về sản lượng trứng; Đàn bò tăng 5-6% về sản lượng thịt và 9-10% về sản lượng sữa… Ước tính năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 6 - 8% so với năm 2019, Quyền Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương khẳng định.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, để hỗ trợ ngành, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y và các địa phương đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Đồng thời, đề nghị các địa phương bố trí quỹ đất, nguồn lực để tiếp tục khôi phục, phát triển nhanh đàn lợn.

Song song với đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần thường xuyên truyền thông về dịch bệnh, tái đàn, thị trường và nguồn cung để tránh dịch bệnh lây lan ảnh hưởng trên diện rộng, tác động đến tái đàn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, những tháng cuối năm 2020 dịch bệnh Covid-19 sẽ còn rất phức tạp; dịch tả lợn châu Phi vẫn hiện hữu, hạn hán, thiên tai, lũ lụt năm nay có những diễn biến khó lường, có thể ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động, không lơ là chủ quan với dịch bệnh, thiên tai để tiếp tục duy trì và giữ vững mục tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi lợn, cần tiếp tục áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ nhập khẩu con giống, nhập khẩu lợn sống, nhập khẩu thịt kết hợp đẩy mạnh tái đàn, chăn nuôi gắn với an toàn sinh học để từng bước chủ động được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước những tháng cuối năm 2020.

Hiện có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đã tăng quy mô và đầu tư công nghệ cho chăn nuôi theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả cao, chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng thay thế mô hình tự phát trước đây, càng chứng tỏ an toàn sinh học là giải pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả rõ rệt với chăn nuôi lợn. Đảm bảo được an toàn sinh học kể cả chăn nuôi lợn chuồng hở vẫn mang lại thành công và an toàn cho người chăn nuôi.

Cùng với việc nhập giống, thịt lợn sống, thịt lợn đông lạnh, việc thúc đẩy tái đàn ở khu vực nông hộ với những mô hình an toàn sinh học đã được chứng minh trong thực tế. Đơn cử như mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm sử dụng men vi sinh của Nhật Bản, nuôi thông thoáng, tự nhiên, không chỉ trở thành giải pháp cho chăn nuôi nông hộ, gia trại, mà còn hướng đến cả trang trại lớn, thậm chí là chăn nuôi công nghiệp. Đây là lời giải hữu hiệu cho ngành chăn nuôi về dịch bệnh - môi trường - thị trường. Sự kiện Tập đoàn Quế Lâm đưa vào vận hành Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer) cũng nhằm hiện thực hóa khái niệm "Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp" trong thế kỷ XXI.

Sau Tổ hợp chăn nuôi tại thôn Đông Lái, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tập đoàn tiếp tục nhân rộng hàng chục mô hình ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nuôi hàng nghìn con lợn, từ lợn sinh sản, hậu bị, lợn cai sữa, lợn con theo mẹ, đến lợn thương phẩm. Trên cơ sở đó, các địa phương nghiên cứu mô hình của Tập đoàn Quế Lâm để vận dụng, không chỉ đối với chăn nuôi lợn mà còn mở rộng sang các đối tượng sản xuất nông nghiệp khác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/de-dap-ung-nhu-cau-thit-lon-trong-nuoc-104339.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.