Ngân hàng cần sự chia sẻ từ doanh nghiệp viễn thông

Việc điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ là một trong những hỗ trợ quan trọng, tích cực cho các tổ chức tài chính – ngân hàng trong điều kiện bình thường mới hiện nay.
Tiếp tục đề nghị giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng
Giảm cước tin nhắn cho ngân hàng: Tại sao không?!
Giảm phí cước tin nhắn dịch vụ tài chính ngân hàng là cần thiết

Tiếp tục kiến nghị giảm cước tin nhắn

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lại vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Đây là lần thứ ba trong vòng hơn 3 tháng, Hiệp hội Ngân hàng có công văn đề nghị Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông điều chỉnh giảm cước tin nhắn.

Trước đó, để hỗ trợ các ngân hàng hội viên thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid -19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản số 87/HHNH-PLNV ngày 9/4/2020 đề nghị Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông giảm cước tin nhắn (SMS) đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Sau khi nhận được văn bản này, ngày 20/4/2020, Cục Viễn thông đã yêu cầu các DN viễn thông xem xét và báo cáo Cục Viễn thông về việc thực hiện giảm phí tin nhắn SMS cho các ngân hàng trước ngày 27/4/2020. Sau thời hạn này các DN viễn thông chỉ báo cáo là chưa thực hiện giảm phí.

Ngân hàng cần sự chia sẻ từ doanh nghiệp viễn thông
Việc giảm cước tin nhắn cho ngân hàng cũng gián tiếp hỗ trợ nền kinh tế

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 14/5/2020, Cục Viễn thông cũng đã tổ chức họp giữa các DN viễn thông di động và một số NHTM bàn về các nội dung có liên quan đến việc giảm phí SMS cho các NHTM. Tại cuộc họp này, Hiệp hội Ngân hàng một lần nữa nêu sự cần thiết phải có sự vào cuộc của DN viễn thông trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11, tạo thuận lợi cho các NHTM có thể giảm phí, giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng cũng như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc tiếp tục giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng.

Kết luận tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Viễn thông yêu cầu các DN viễn thông thực hiện giảm giá tin nhắn và ngày 18/5/2020 có báo cáo đề xuất gửi về Cục Viễn thông. Nhưng sau thời hạn này Hiệp hội Ngân hàng cũng không nhận được thông tin gì về việc thực hiện giảm giá cước của các DN viễn thông. Phía Cục Viễn thông cũng đã có ý kiến yêu cầu các DN viễn thông cân đối, xem xét lại giá cước tin nhắn SMS. Về phía mình, các ngân hàng và đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề nghị nếu các DN viễn thông không giảm được 50% phí (cước) tin nhắn đang áp dụng thì có thể giảm về mức phí tương đương khoảng 300-500 đồng/tin nhắn của Vietnammobile. Sau cuộc họp đủ cả ba bên (ngân hàng, cơ quan quản lý và DN viễn thông) này vấn đề vẫn… dậm chân tại chỗ.

Ngày 17/6/2020, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục có văn bản số 136/HHNH-PLNV về nội dung này. Tuy nhiên cho đến thời điểm này (cuối tháng 7/2020), HHNH vẫn chưa nhận được thông tin kết quả xử lý của Bộ Thông tin – Truyền thông, các DN viễn thông di động chưa có động thái giải quyết yêu cầu của các ngân hàng.

Vì sao ngân hàng cần sự chia sẻ, hỗ trợ?

Hiện 100% các NHTM đã thực hiện miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, nhiều NH đã và đang miễn phí dịch vụ thanh toán, phí tin nhắn, tra cứu số dư… nhằm khuyến khích người dân giao dịch trực tuyến, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phát triển, cộng thêm tâm lý lo ngại dịch bệnh đã kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng online ngày một tăng. Trong khi đó, mỗi giao dịch chuyển tiền, thanh toán đều cần gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng. Chỉ tính riêng với một ngân hàng miễn phí cho khách hàng đang phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân là 1.640 đồng/giao dịch thanh toán. Theo Hiệp hội Ngân hàng, bình quân mỗi khách hàng có từ 15-20 giao dịch/tháng, tương đương 25-30 tin nhắn/tháng, chi phí khoảng 20.000 - 25.000 đồng/tháng.

Hiện giá cước tin nhắn mà các DN viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp ba lần so với tin nhắn thông thường. Vì thế, ngay một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9-11 triệu tin nhắn/tháng cũng đã phải trả DN viễn thông từ 7,5-9 tỷ đồng/tháng.

SMS là dịch vụ thiết yếu phải có đối với giao dịch tài chính ngân hàng và dung lượng tăng dần qua các năm. Như BIDV - một trong 4 ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường - cho biết, tổng cộng trong 3 năm và 5 tháng đầu năm 2020 đã có xấp xỉ 1.900 triệu tin nhắn, chi phí khoảng gần 1.200 tỷ đồng. Nếu căn cứ nhịp độ sản lượng tin nhắn của năm nay, BIDV ước tính sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng. Thực tế của các ngân hàng thì giá phí bình quân 1 tin nhắn qua các năm khoảng 700 đồng/tin nhắn. Nếu các nhà mạng áp mức giá thông thường khoảng 300 đồng/tin nhắn thì chi phí sẽ giảm khoảng 50%, như BIDV sẽ giảm bù lỗ được khoảng 285 tỷ đồng.

Một mặt chấp nhận bù lỗ, mặt khác ngân hàng cũng đang phải chịu gánh nặng về chi phí khi đồng thời triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19. Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính tới ngày 22/6/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 258.254 khách hàng với dư nợ 176.917 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 421.197 khách hàng với dư nợ 1.264.477 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/1 đến nay đạt 1.130.451 tỷ đồng cho 238.354 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch. Điều này đồng nghĩa với việc để có thể hỗ trợ cho DN và người dân, ngân hàng phải hy sinh một phần lợi nhuận của mình, dù bản thân ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 như nợ xấu “phình” ra, tín dụng giảm…

Giới chuyên gia nhận định, không chỉ có những biện pháp gỡ khó cho DN và người dân do tác động từ dịch Covid-19, hiện thực hoá tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng đang rất nỗ lực đồng hành, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ về phòng chống dịch thành công và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, ngân hàng có tiết giảm được chi phí bao nhiêu thì càng có thêm cơ hội để tiếp tục giảm thêm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… nhiều hơn cho DN và người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ là một trong những hỗ trợ quan trọng, tích cực cho các tổ chức tài chính – ngân hàng trong điều kiện bình thường mới hiện nay.

Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, viễn thông là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 do nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông tăng cao trong dịch. Bởi vậy, giảm phí để chia sẻ với các ngân hàng, qua đó gián tiếp chia sẻ với nền kinh tế là việc nên làm.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-can-su-chia-se-tu-doanh-nghiep-vien-thong-104331.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.