Vốn được mệnh danh là nơi “tấc đất tấc vàng” của Hà Nội, được rao bán tới cả tỷ đồng/m2, các con phố kinh doanh của phố cổ như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bông, Lương Văn Can, Hàng Gai… xưa nay luôn được các tiểu thương săn đón. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt cửa hàng trên các con phố đắt đỏ này đều đã treo biển sang nhượng, cho thuê hoặc tạm thời đóng cửa. Những cửa hàng còn hoạt động chủ yếu là địa điểm kinh doanh tại nhà nên chủ tiệm vẫn cố gắng cắt giảm tối đa mọi chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn, chờ ngày khởi sắc.
Một số chủ cửa hàng cho biết, do lượng khách hàng ở phố cổ chủ yếu là khách du lịch nước ngoài nên khi các đường bay quốc tế chưa hẹn ngày quay lại, khách vắng bóng, hàng hóa ế ẩm, nhiều cửa hàng không thể trụ nổi vì giá thuê mặt bằng quá cao. Với vị trí đắc địa ở trung tâm du lịch của thành phố, giá thuê mặt bằng ở phố cổ Hà Nội rơi vào khoảng từ 40 - 100 triệu đồng/tháng.
Với những cửa hàng, khách sạn vẫn hoạt động, để thu hút khách hàng, các địa điểm này đồng loạt treo biển giảm giá 30% - 50%, “giá rẻ mùa Covid”… tuy nhiên cũng không cải thiện được nhiều tình hình kinh doanh.
Hàng loạt chuỗi khách sạn nổi tiếng, nằm ở vị trí đắc địa trên phố cổ cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của “bóng đen” Covid-19. Chủ một chuỗi khách sạn cho biết, dù lượng khách nội địa đã quay trở lại qua việc kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ của Chính phủ, tuy nhiên khách du lịch nội địa chủ yếu lựa chọn phân khúc khách sạn ven đô với giá thành rẻ hơn, những khách sạn trong phố cổ có giá thuê cao hơn hẳn nên không được ưu tiên. Vì vậy dù trong trạng thái bình thường mới, hàng loạt khách sạn tại phố cổ vẫn “cửa đóng then cài”, chưa hẹn ngày quay trở lại.
Tại Hội nghị giao ban công tác quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020, UBND TP Hà Nội nhận định, du lịch thành phố đã chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Tổng lượng khách du lịch đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%, trong đó khách quốc tế giảm 68,8%; tổng thu từ du lịch giảm 61,5%; công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%, giảm 38,35 % so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, mặc dù dịch bệnh ở Việt Nam hiện tại đã được kiểm soát tốt, ngay từ đầu tháng 6/2020, một số hãng hàng không trong nước đã lên kế hoạch kể từ ngày 1/7 sẽ từng bước mở lại đường bay đến một số quốc gia/vùng lãnh thổ có kết quả kiểm soát dịch bệnh khả quan, xem đó như là một cứu cánh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mở các đường bay quốc tế trong tháng 7 là điều khó xảy ra bởi lẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khi-pho-co-ha-noi-tram-tu-khac-la-104009.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.