Cần những giải pháp đồng bộ để giữ rừng
09:53 | 13/07/2020
Thực tế cho thấy, những năm qua do nhu cầu, tại nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên, diện tích rừng liên tục bị xâm hại để phục vụ canh tác...
![]() | Gỗ lậu vẫn tồn tại |
Những năm qua, diện tích che phủ rừng liên tục mất đi do bị phá. Trước thực tế đó, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt trên 2,7 triệu hecta, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng 7.100ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 136.600ha rừng sản xuất; khoanh nuôi, tái sinh rừng bình quân 36.600ha/năm; trồng cây phân tán bình quân đạt 3,23 triệu cây/năm.
Thực tế cho thấy, những năm qua do nhu cầu, tại nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên, diện tích rừng liên tục bị xâm hại để phục vụ canh tác. Theo số liệu mới được báo cáo, năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là gần 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt hơn 45,9%. Cũng trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, tại các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; xử lý 4.433 vụ vi phạm. Trong đó, xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 56 tỷ đồng.
![]() |
Cần tăng cường các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng hiệu quả hơn |
Đầu năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên trồng được 9.197ha rừng và trồng 478ha thay thế rừng đặc dụng, phòng hộ; khai thác gỗ rừng trồng đạt 0,38 triệu m3, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt khoảng 11 triệu USD; sắp xếp, đổi mới 51/55 công ty lâm nghiệp...
Cùng với đó, là tình trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp diễn ra và tồn tại nhiều năm trên địa bàn. Điều này chủ yếu do tự phát của các cá nhân, hộ gia đình qua các quá trình: người dân sản xuất lâu đời trước khi có quy hoạch tổng thể về đất lâm nghiệp; đất lâm nghiệp được giao khoán để phát triển rừng nhưng người dân sử dụng sai mục đích chuyển sang sản xuất nông nghiệp; người dân lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, tình trạng phá rừng với mục đích lấn chiếm đất diễn ra khá phức tạp vào kéo dài trong nhiều năm qua mà đến nay vẫn còn tiếp diễn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ rừng của các địa phương cũng còn nhiều hạn chế. Trước tình hình này, chính quyền tỉnh Đăk Lăk đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tăng cường đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, ổn định dân cư của địa phương; sớm ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng; giải quyết vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi rừng, cải tạo rừng…
Chính quyền tỉnh Đăk Lăk đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác bảo vệ rừng. Nhờ đó, trong thời gian qua công tác bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số khu vực thường xuyên bị xâm hại đã lập lại trật tự và an ninh rừng đã được xử lý. Thế nhưng, do địa hình phức tạp, lực lượng mỏng nên công tác bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, vẫn còn xảy ra một số vụ khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy gây thiệt hại lớn.
Ví như, từ ngày 9 - 12/4/2020, trong quá trình tuần tra, lực lượng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông phát hiện tại lô 4, khoảnh 4, tiểu khu 1219 có một số đối tượng đang phá rừng. Mở rộng khu vực kiểm tra tại các lô 8, 9, 11, 13, khoảnh 4, tiểu khu 1219, đội tuần tra phát hiện có 19 cây gỗ pơ mu bị cưa hạ. Trong đó, 1 cây đã bị lấy đi phần thân, 3 cây bị cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Qua đo đếm sơ bộ ban đầu, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 37,219 m3.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc tăng cường vai trò của kiểm lâm, còn cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước có chung đường biên giới; tạo sinh kế ổn định cho người dân để người dân sống được với rừng.
Cùng với đó, chuyển đổi diện tích đất sản xuất năng suất thấp sang trồng rừng; giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất rừng bị lấn chiếm; ngăn chặn phá rừng, khai thác lâm nghiệp; tiếp tục có giải pháp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng và cả chính quyền địa phương; Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trong thời gian qua; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ; Xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay để xảy ra các vụ phá rừng trong thời gian qua, bảo vệ bằng được diện tích rừng còn lại.
Đồng thời, tiếp tục rà soát điều chỉnh lại 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) để hình thành bộ hồ sơ quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty Nông - Lâm nghiệp; Xây dựng các đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững… Tổng rà soát lại 14 chỉ tiêu Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra làm cơ sở xây dựng đề án cho giai đoạn 2021-2025.
Chí Thiện