Suy giảm sâu hơn, phục hồi chậm hơn
Tổ chức có trụ sở tại Brussels này dự báo kinh tế EU sẽ bị thu hẹp 8,3% trong năm nay, sâu hơn nhiều mức suy giảm 7,4% mà cơ quan này đưa ra vào tháng 5. Tăng trưởng năm 2021 của khu vực cũng bị cắt giảm xuống còn 5,8% thay vì mức 6,1% như dự báo trước đó.
Các dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế Ý sẽ bị thu hẹp tới 11,2% trong năm nay, mạnh nhất trong số tất cả các thành viên EU. Nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát vào tháng 5, nhưng giới chuyên gia cho rằng du lịch và các dịch vụ liên quan đến người tiêu dùng chưa thể sớm phục hồi. Điều này sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của kinh tế Ý trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, EC dự báo tăng trưởng kinh tế Ý sẽ phục hồi trở lại, đạt mức 6,1% trong năm 2021.
![]() |
Ủy ban châu Âu |
Pháp và Tây Ban Nha cũng dự kiến sẽ đối mặt với sự suy giảm kinh tế mạnh hơn nhiều trong năm nay, lần lượt suy giảm 10,6% và 10,9% thay vì các mức giảm tương ứng là 8,2% và 9,4% mà EC dự báo hồi tháng 5.
Đức là quốc gia duy nhất trong khu vực đồng euro được nâng dự báo tăng trưởng. Theo EC, nền kinh tế lớn nhất khu vực này chỉ suy giảm 6,3% trong năm nay thay vì giảm 6,5% như dự báo mà EC đưa ra hồi tháng 5. Nguyên nhân một phần cũng nhờ các biện pháp kích thích mạnh hơn đã được Chính phủ Đức công bố vào tháng 6.
“Ngay từ mùa xuân, Chính phủ Đức đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để ổn định nền kinh tế sau khi dịch bệnh bùng phát. Phản ứng đầu tiên được nước này đưa ra vào tháng 3 bao gồm việc hỗ trợ thanh khoản cho các công ty dưới hình thức bảo lãnh công cho các khoản vay, hoãn thuế, tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ... Đầu tháng 6, Chính phủ Đức tiếp tục công bố một gói kích thích tài khóa trị giá khoảng 130 tỷ euro”, EC cho biết hôm thứ Ba.
Trong Báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung euro, bao gồm 19 quốc gia thành viên, sẽ suy giảm hơn 10% trong năm nay; trong đó Pháp, Ý và Tây Ban Nha được dự báo có thể suy giảm khoảng 12%.
Quỹ phục hồi vẫn… trên giấy
“Các tác động kinh tế của việc đóng cửa cách ly nghiêm trọng hơn chúng tôi dự kiến ban đầu. Chúng ta tiếp tục vẫn đang trong tâm bão và đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm một làn sóng lây nhiễm khác”, Valisis Dombrovskis - Phó chủ tịch EC cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (7/7).
Triển vọng đã trở nên tồi tệ hơn trong hai tháng qua bất chấp các giải pháp mà hầu hết các nước châu Âu đã thực hiện để mở cửa trở lại nền kinh tế của mình. EC cho biết hôm thứ Ba rằng, hoạt động kinh tế dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, song không thể phục hồi “hoàn toàn” và sự phục hồi cũng “không đồng đều” do các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong những ngày gần đây đã xuất hiện nhiều lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh tại khu vực. Chính quyền Tây Ban Nha đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế ở khu vực Galicia, trong khi Bồ Đào Nha cũng khôi phục lại một số biện pháp cách ly tại Lisbon sau khi số ca nhiễm mới ngày càng tăng.
Để thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế khu vực, EU đang nỗ lực hiện thực hóa kế hoạch kích thích tài khóa chưa từng có. Tuy nhiên, sự khác biệt về quan điểm giữa 27 nguyên thủ quốc gia thành viên cũng có nghĩa là thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa đạt được. Lãnh đạo các quốc gia thành viên sẽ tập trung tại Brussels vào tuần tới để thảo luận về quỹ cứu trợ trị giá 750 tỷ euro này.
“Các phản ứng chính sách trên khắp châu Âu đã giúp giảm bớt thiệt hại cho công dân của chúng tôi, tuy nhiên đây vẫn là một câu chuyện về sự khác biệt ngày càng tăng, bất bình đẳng và bất an. Đó là lý do tại sao việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận về kế hoạch phục hồi do Ủy ban đề xuất là rất quan trọng, nhằm gia tăng niềm tin và cung cấp thêm sự hỗ trợ tài chính mới cho các nền kinh tế của chúng ta vào thời điểm quan trọng này”, Paolo Gentiloni – Cao ủy Kinh tế của EU cho biết.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2020 của khu vực đồng tiền chung xuống mức -8,7%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde đánh giá, mức độ suy thoái của Eurozone trong năm nay sẽ phụ thuộc lớn vào thời gian áp dụng và mức độ hiệu quả của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như những chính sách giảm nhẹ tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng. ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm tới và 3,3% trong năm 2022 nhờ vào những gói kích thích quy mô lớn từ các chính phủ thành viên và ECB. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-chau-au-bi-quan-hon-du-kien-103890.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.