![]() | Kiểm tra khu Ninh Hiệp, thu giữ gần 4.700 sản phẩm có dấu hiệu giả, nhái và hàng nhập lậu |
![]() | TP.HCM: Quyết liệt xử lý hàng gian, hàng giả |
![]() |
Tổng cục Hải quan cho biết gần đây đang nổi lên hiện tượng xuất khẩu gian lận xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế. Đặc biệt từ khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đã áp đặt bổ sung các mức thuế xuất với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ từ 7,5% đến 285%. Như vậy, sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ rất lớn nên đã có hiện tượng hàng Trung Quốc trá hình hàng xuất xứ Việt Nam để tránh mức thuế suất cao này.
Để phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ này, ngành Hải quan đã triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Toàn ngành Hải quan đã điều tra xác minh 76 vụ việc, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu.
Cơ quan Hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Đã thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).
Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương điều tra và phát hiện thủ đoạn gian lận mới: làm giả giấy chứng nhận xuất xứ. Doanh nghiệp làm giả, tự phát hành C/O cho nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẩn trương chủ động tiến hành làm rõ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) – Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát, mở rộng điều tra để xử lý đối với các trường hợp tương tự.
Ông Trần Mạnh Cường – Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) chỉ ra 3 phương thức gian lận xuất xứ phổ biến: Có doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất giản đơn quy định tại Điều 9, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.
Thậm chí có những doanh nghiệp chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu (doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác).
Một số doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Lộc – Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết đã cơ bản kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng khác tránh ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan xác định hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của Ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Tổng cục sẽ tiếp tục kế hoạch giai đoạn 2 mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận xuất xứ đối với nhiều doanh nghiệp khác.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, kết quả việc thực hiện chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp không chỉ là phát hiện nhiều vụ vi phạm, ngăn chặn các hành vi gian lận mà còn lan tỏa tinh thần phòng ngừa ngăn chặn vi phạm trong cộng đồng doanh nghiệp, cảnh báo để doanh nghiệp đầu tư cho đúng tránh việc đầu tư sơ sài mà trở thành gian lận xuất xứ. Qua kiểm tra vừa rồi, sau khi được cơ quan hải quan chỉ ra sai phạm, có những doanh nghiệp đã chủ động khắc phục, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng hàm lượng xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác ngăn chặn gian lận xuất xứ cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tiên là tại thông tư 05/2018/TT-BCT và nghị định 31/2018/NĐ-CP còn có điểm chưa rõ ràng gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra, xác định vi phạm gây phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp các nước đã ký các các hiệp định thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn cụ thể về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu và cách thức kê khai xuất xứ hàng hóa trong điều kiện hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam. Quy định về công đoạn gia công chế biến giản đơn tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP chưa rõ ràng, chưa đầy đủ nên dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan hải quan với doanh nghiệp để xác định công đoạn gia công giản đơn gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục Hải quan đề nghị có quy chế phối hợp cụ thể giữa Bộ Công Thương với Bộ Tài chính và đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể hơn.
Để công bằng cho các doanh nghiệp và ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị buộc doanh nghiệp vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp đối với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình gia công do chủ thể của hàng hóa (đơn vị thuê gia công) thường ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-hien-them-nhieu-vu-hang-trung-quoc-doi-lot-hang-viet-nam-103778.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.