Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo: Trung thành với sở trường bản thân

Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo vừa vinh dự giành giải nhất cuộc thi viết “Sài Gòn-Thành phố tôi yêu”. Anh là một cây bút có giọng riêng, độc đáo. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh về công việc và tình yêu với đô thị.
nha van tre tong phuoc bao trung thanh voi so truong ban than Từ công nhân làm đường đến nhà văn
nha van tre tong phuoc bao trung thanh voi so truong ban than Nhà văn của những mảnh đời cùng khổ
nha van tre tong phuoc bao trung thanh voi so truong ban than
Nhà văn Tống Phước Bảo (bên trái) nhận giải Nhất cuộc thi viết “Sài Gòn - Thành phố tôi yêu”

Với anh, khi đặt bút viết về Sài Gòn có khó khăn gì không?

Với tôi khi viết về Sài Gòn, giống như cất tiếng nói về một vùng ký ức đã in sâu trong lòng, vì tôi đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Hơn 30 năm gắn trọn cuộc đời tôi với Sài Gòn, rất nhiều vui buồn, thăng trầm cũng như thương nhớ dành cho miền đất nắng ấm này. Ví dụ như tôi quen từng góc phố, từng con xóm nhỏ, hay từng hàng quán, các con đường của Sài Gòn. Vậy nên, khi viết, tôi chỉ cần ngồi lại, những câu chuyện, hình ảnh cứ thế trong đầu nhảy ra thành câu chữ. Tôi mất một buổi là viết xong bản thảo. Sau đó mất thêm vài ngày để đọc đi đọc lại chỉnh lỗi chính tả, chỉnh câu từ chưa hợp lý. Cái cực nhất là lúc viết tôi nương theo cảm xúc nên viết tận 1.700 chữ, trong khi cuộc thi yêu cầu dưới 1.000 chữ. Nên tôi phải cắt bớt số chữ, và điều chỉnh câu chuyện cho trọn vẹn cảm xúc.

Tham gia Cuộc thi viết “Sài Gòn - Thành phố tôi yêu” với tác phẩm “Sài Gòn còn thương thì về”, anh đã kỳ vọng gì?

Thật ra, tôi không kỳ vọng điều gì lớn lao cả. Tôi viết về xóm nhỏ mà tôi đang ở, về những bạn bè, về những người thân trong gia đình. Tôi chỉ mong được đem một câu chuyện rất thật chia sẻ cùng mọi người, để mọi người thêm thương mảnh đất vốn dĩ nhiều sự xa hoa phồn thịnh nhưng trù phú sự thiện lương này. Nhiều người chưa đến Sài Gòn nhưng nghe nhiều về mảnh đất cạnh tranh bôn ba, mảnh đất bụi đường mù trời, hay các câu chuyện về tình người ráo hoảnh ở Sài Gòn. Qua bài viết của tôi, tôi đem đến một câu chuyện thật của một người đã hơn 30 năm sống trên mảnh đất này.

Ở Sài Gòn, còn có nhiều lát cắt, nhiều khía cạnh, và nhiều câu chuyện mà mọi người còn chưa biết đến. Như người ta có thể uống trà đá miễn phí khi gặp cơn khát giữa đường bởi những thùng nước trà mát lạnh người dân để ngay ngoài đường. Hay người ta có thể với tay lấy một ổ bánh mì trong thùng bánh mì miễn phí đặt ngay những con đường sầm uất. Người Sài Gòn cũng rất thiện lành trong các đợt hoạt động cứu trợ bão lụt, hay các đợt giải cứu nông sản cho nông dân. Ở Sài Gòn ngày càng có nhiều nhóm từ thiện do các bạn trẻ thành lập, và hoạt động rất bài bản sâu rộng. Vậy nên, với Sài Gòn, đừng vội ghét khi chưa kịp thương.

Tôi được biết, ở Sài Gòn có rất nhiều cây bút viết về thành phố này. Anh vinh dự dành giải nhất cuộc thi, đồng nghĩa với việc xác lập một thương hiệu. Với tư cách là công dân ở đây, mỗi người trẻ cần làm gì để góp phần xây dựng thành phố văn minh, văn hóa?

Tôi nghĩ không riêng gì tôi mà từ cuộc thi này, nhiều thế hệ đã gắn bó với Sài Gòn sẽ tìm được nhiều câu chuyện hay, từ đó lan tỏa cách sống đẹp, và tấm lòng tử tế, để mỗi khi nhắc đến Sài Gòn, người ta sẽ thêm yêu thích thành phố này. Chỉ cần mỗi người trong xã hội có ý thức giữ gìn và phát huy thì dù đó là một việc nhỏ nhặt, theo ngày tháng cũng sẽ dần lan tỏa lớn lao. Có rất nhiều điều tốt được phát triển và nhân rộng ra toàn xã hội chỉ từ một ý tưởng nhỏ hoặc từ một hoạt động riêng lẻ.

Anh đánh giá về cuộc thi anh vừa mới tham dự như thế nào?

Đây là cuộc thi quy mô toàn quốc, bởi với những ai chỉ cần một lần ghé đến thành phố phương nam nắng ấm này đều ít nhiều có một kỷ niệm hay ấn tượng về miền đất này. Thế nên, cuộc thi nhận được hơn 800 bài từ mọi miền trên khắp cả nước, đủ mọi lứa tuổi, thậm chí là có cụ 93 tuổi, tự viết bằng tay gửi bài về dự thi. Hoặc có trường hợp cháu nội viết thư tay theo lời đọc của ông mình. Có người còn viết lên một tờ lịch cũ để gửi niềm thương nhớ. Điều đặc biệt là cuộc thi cũng có những bạn đọc bên nước ngoài, đang sinh sống và làm việc xa quê.

Ban Tổ chức cũng như Ban Giám khảo làm việc rất chuyên nghiệp cũng như buổi lễ trao giải tổ chức chỉn chu và hoành tráng. Cuộc thi cũng phát hành một tập sách với những bài thi chất lượng nhất dành cho bạn đọc, và những người yêu Sài Gòn. Điều này cũng cho thấy ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi là mong muốn đem đến một Sài Gòn đầy đủ nhiều hình ảnh đẹp đến cộng đồng, xã hội.

Đọc truyện và tản văn, thấy anh có giọng riêng. Anh làm gì để tạo sự khác biệt với nhiều cây bút khác ở một đô thị lớn như Sài Gòn?

Sài Gòn đặc biệt là phía Nam hiện nay rất nhiều tác giả trẻ. Họ năng động cũng như đầy đam mê và thành tâm đến với văn chương một cách mạnh mẽ nhất. Tôi đã tiếp xúc và cũng có đọc, để thấy các tác giả trẻ luôn tìm tòi cũng như sáng tạo không ngừng nghỉ. Đó chính là điều Bảo luôn suy nghĩ khi đặt bút viết bất cứ tác phẩm nào.

Tuy nhiên, tôi lại là người theo thiên hướng cảm xúc. Khi viết tôi không nghĩ là cố tình tạo ra một phong cách viết độc đáo. Cứ thuận theo tự nhiên những gì có trong lòng. Bởi tôi vốn dĩ viết rất bản năng, theo cảm xúc là phần lớn. Hầu như lúc viết tôi hóa thân vào câu chuyện, chọn cách sống cùng nhân vật, khóc cười hay hạnh phúc đau khổ gì cũng là đặt tôi vào câu chuyện. Vì tôi tin, những gì xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến trái tim. Rất may là tôi có được sự đồng cảm từ bạn đọc. Tôi viết bằng văn phong Nam bộ, nên cũng phải đọc sách và tìm tư liệu về các phương ngữ Nam bộ để làm chất liệu viết thêm phong phú. Có lẽ tôi khác ở chỗ là dùng phương ngữ rất lâu và ít ai sử dụng để viết. Điều đó có thể tạo hứng thú cho bạn đọc.

Anh có dự định gì sắp tới, ví dụ làm một cuốn sách riêng về Sài Gòn, hoặc miền Tây?

Như tôi đã nói phần lớn tôi viết theo cảm xúc, nên các dự định của tôi cũng rất bất chợt và tùy hứng. Tôi đã xuất bản 2 tập truyện cá nhân. Cả hai tập truyện đều theo văn phong Nam bộ. Thỉnh thoảng tôi cũng đổi văn phong miền Bắc, hay đổi cách viết theo lối kỹ thuật cố tình cài đặt tình huống. Nhưng mà tôi nghĩ nó không thuận tay viết. Quanh quẩn một vòng tôi về lại lối viết Nam bộ. Đôi khi tôi chỉ dạo chơi các phong cách viết khác gọi là tìm tòi phá cách. Rồi cũng về lại sở trường của mình. Tôi nghĩ bạn đọc thích một Tống Phước Bảo mang đầy hơi thở Nam bộ, lối viết nhân văn, buồn man mác nhưng cái kết lúc nào cũng sáng và đẹp. Có thể tôi sẽ thử sức về tản văn, hay tiểu thuyết, hoặc truyện thiếu nhi. Tôi cũng đang viết dang dở một tập tản văn về Sài Gòn. Hy vọng sẽ sớm hoàn thành và ra mắt bạn đọc.

Xin cảm ơn nhà văn trẻ Tống Phước Bảo!

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nha-van-tre-tong-phuoc-bao-trung-thanh-voi-so-truong-ban-than-103630.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.