Hóa đơn tiền điện: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”

Những ngày gần đây, liên tiếp các sự việc nhầm lẫn, sai sót liên quan đến hóa đơn tiền điện xảy ra khiến nhiều người dân đặt câu hỏi về sự minh bạch của ngành điện. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải thay đổi cách tính bậc thang giá điện cũng như có những giải pháp nâng cao sự minh bạch để người dân an tâm khi sử dụng điện. 
hoa don tien dien mot lan bat tin van lan bat tin Hóa đơn tiền điện tăng cao: EVN nói gì?
hoa don tien dien mot lan bat tin van lan bat tin Làm rõ sai sót khiến tiền điện tăng đột biến
hoa don tien dien mot lan bat tin van lan bat tin
Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc nhầm lẫn, sai sót trong việc lập hóa đơn tiền điện

Giật mình vì hóa đơn tiền điện

Vẫn biết rằng vào mùa cao điểm, tiền điện sẽ tăng cao nhưng thời gian gần đây, nhiều người vẫn không khỏi bất ngờ khi tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng trước. Anh Nguyễn Ngọc Vũ (Khương Trung, Thanh Xuân) cho biết: “Cả khu phố nhà mình đều giật mình khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5. Nhà nào cũng tăng gấp đôi, có nhà tăng gấp ba so với các tháng trước, có nhà lên tới gần chục triệu tiền điện”.

Số liệu thống kê mới nhất đến cuối tháng 6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó. Riêng biệt vào ngày 23/6/2020, công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay với con số kỷ lục là 38300 MW.

Giải thích nguyên nhân tiền điện tăng đột biến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, đối với điều hòa nhiệt độ, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%.

"Đối với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ, thì lượng điện sử dụng tăng lên đột biến và kèm theo đó chi phí sử dụng điện cũng tăng theo", EVN khẳng định.

Còn theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến tiền điện tăng cao đột biến trong thời gian gần đây là do cách tính giá điện sinh hoạt theo bậc thang. Theo TS. Lê Đăng Doanh, về nguyên tắc, các nước đều áp dụng chính sách điện bậc thang để cắt giảm, hạn chế người dân dùng điện một cách lãng phí và quá nhiều. Tuy nhiên ở Việt Nam, cách tính này đã lỗi thời.

“Hiện nay, người dân đã có nhiều trang thiết bị điện hơn. Một nhà bình thường cũng đã có ti vi, tủ lạnh, nhà khá hơn có thêm máy giặt… vậy nên lượng điện sử dụng đã vượt bậc trung bình 1, 2 rất cao”, ông Doanh chia sẻ.

Cũng đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong 6 bậc thang giá điện được áp dụng hiện nay, chỉ có 2 bậc ở dưới mức giá bình quân EVN bán cho người dùng, còn lại 4 bậc cao hơn mức bình quân. Tuy nhiên, lượng điện quy định ở 2 bậc đó thì vẫn còn thấp so với nhu cầu của người dân, 4 bậc còn lại có giá cao hơn mức bình quân, thậm chí gần gấp đôi, hơn 70% - 80% mức giá bình quân EVN đưa ra. “Rõ ràng mức đó không hợp lý. Hầu hết các gia đình, đặc biệt là ở đô thị đều nằm trong khoảng 300 kWh - 400 kWh điện, tức là đều chịu mức giá cao thứ 5, 6 của bậc giá EVN đưa ra. Như vậy, giá điện sẽ cao hơn nhiều so với mức bình quân của EVN. Bởi lẽ chỉ số điện mùa hè của các gia đình càng cao, lượng người sử dụng càng nhiều thì giá điện thực tế người dân phải trả càng cao hơn giá bình quân của EVN rất nhiều”, TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Cần nâng cao tính minh bạch

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin một số hộ gia đình có hóa đơn tiền điện tăng lên đến mấy trăm lần. Cụ thể, gia đình bà Đào Thị Gái ở thôn 7, xã Hạ Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) nhận được thông báo nộp tiền điện từ Điện lực Quảng Ninh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc với sản lượng điện tiêu thụ tháng 6/2020 cao đột biến, số tiền phải trả lên tới hơn 89,3 triệu đồng.

Trước đó, tại tỉnh Quảng Bình, một hộ gia đình cũng đã khiếu nại về việc lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 tăng cao, số tiền mà hộ gia đình phải trả lên tới 58,5 triệu đồng... Kết quả xác minh cho thấy các trường hợp này đều bị ghi nhầm số công tơ điện. Một số tỉnh khác như Tiền Giang, Ninh Bình lại ghi nhận trường hợp nhiều hóa đơn được lặp lại nhiều lần. Sai sót của ngành điện trong các trường hợp nêu trên cho thấy lỗ hổng lớn đối với việc ghi hóa đơn và thông báo hóa đơn tiền điện của ngành điện, khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi về sự minh bạch trong hoạt động của ngành này.

Theo một số chuyên gia, để giải quyết tình trạng nhầm số điện, cần triển khai mạnh mẽ công tơ điện tử. Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, nếu như vẫn còn giữ hình thức điện bậc thang thì nhất định phải triển khai áp dụng công tơ điện tử để người dùng có thể kiểm tra được lượng điện sinh hoạt hằng ngày, tổng lượng điện trong tháng, thời gian đo lượng điện. Bởi cách tính bậc thang nếu nhầm lẫn thì có thể sang một bậc thang khác, người dùng phải chịu mức giá cao hơn rất nhiều.

Theo ông Thịnh, còn có thể tính đến phương án mạnh dạn bỏ bậc thang giá điện, chỉ bán giá điện bình quân. Nếu người dùng nhiều thì dùng thuế môi trường để áp dụng. Còn nếu vẫn giữ bậc thang giá điện, thì chỉ nên chia làm 3 bậc. Có bậc ở dưới mức giá bình quân, nhưng bậc đó phải cao, khoảng 200 kWh, bậc hai từ 200kWh - 400kWh, bậc 3 trên 400kWh. Đồng thời, trung bình cộng của 3 bậc nhân với lượng người dùng phải ra giá bình quân bán của EVN.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ hy vọng về một thị trường điện thương mại trong tương lai. Theo ông Thịnh, khi đó các doanh nghiệp bán lẻ điện sẽ cạnh tranh nhau, giá điện sẽ hợp lý hơn, người dân cũng dễ dàng để có thể quản lý, theo dõi, sử dụng điện tốt nhất, đảm bảo được sự công khai, minh bạch, bình đẳng.

Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nên tăng cường công tác truyền thông để hướng dẫn người dân sử dụng điện một cách tiết kiệm. Nên đề xuất người dân tránh sử dụng bếp điện, điều hòa… vào giờ cao điểm, khuyến khích làm ca đêm để tận dụng được công suất điện của ca đêm.

Đồng thời, ông Doanh cũng đề nghị cần nâng cao vai trò của các hiệp hội về điện, liên hiệp khoa học kỹ thuật để giám sát hoạt động về điện. Mặt khác, để giảm thiểu áp lực cho ngành điện, ở Việt Nam, dư địa phát triển điện mặt trời rất lớn, nhất là từ phía Nam miền Trung đến Nam bộ vì thế nên phát triển mạnh mẽ những nguồn năng lượng này.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hoa-don-tien-dien-mot-lan-bat-tin-van-lan-bat-tin-103623.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.