Xác định lợi thế để phát triển nông nghiệp

Với lợi thế về thổ nhưỡng, Đăk Lăk được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Thực tế cho thấy, ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những tháng đầu năm 2020, kinh tế cả nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chịu thiệt hại nghiêm trọng, song Đăk Lăk là một trong số ít các địa phương vẫn giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế.

Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, trong 6 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế Đăk Lăk có tốc độ tăng trưởng ổn định. Giá trị tổng sản phẩm đạt 22,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nông nghiệp vẫn là ngành đóng vai trò chủ lực, ước giá trị thực hiện gần 7,3 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 6 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 250 triệu USD, đạt trên 38% kế hoạch; thu ngân sách đạt trên 3,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,5% kế hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá, đến nay toàn tỉnh đạt 2.250/2.888 tiêu chí; bình quân đạt gần 14,4 tiêu chí/xã. Dự kiến đến cuối năm 2020 có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 xã so với năm 2019…

Xác định lợi thế để phát triển nông nghiệp
Đăk Lăk cần khai thác tốt những lợi thế để phát triển nông nghiệp

Có được kết quả này chính là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp, tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn cử tại huyện vùng sâu Krông Bông (Đăk Lăk), được sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, nông dân ở nhiều xã đã chủ động chuyển đổi nhiều diện tích cây hồ tiêu sang trồng các loại cây ăn trái và trồng rừng trên diện tích đất đồi dốc… hình thành nhiều mô hình kinh tế đồi rừng mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Tại xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, việc trồng cây dứa cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm của các hộ dân không còn là xa lạ. Như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đã cải tạo diện tích đất đồi cao, độ dốc lớn để trồng dứa đồi. Với diện tích 20ha, trong đó 15ha đang vào thời kỳ thu hoạch chính, giá dứa ổn định mang lại cho gia đình nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

Đặc biệt những năm gần đây, khi giá hồ tiêu xuống thấp, cây tiêu bị dịch bệnh hàng loạt, nhiều nông hộ tại xã Cư Drăm chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, cam, mít, dứa, vải... Chính nhờ chuyển đổi cây trồng kịp thời nên nhiều hộ dân có thu nhập ổn định.

Một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng tại xã này, bà Phan Thị Tư chia sẻ, sau khi vườn tiêu bị chết sạch do dịch bệnh gia đình quyết định nhổ trụ, cải tạo lại đất để chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi và các loại cây ăn trái... Đặc biệt, do chất đất và khí hậu phù hợp, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sau 3 năm, vườn vải thiều đã cho thu hoạch; bán được 25.000 - 30.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu đáng kể. Nếu thời tiết thuận lợi, niên vụ sau sản lượng vải của gia đình sẽ tăng gấp 3 lần…

Tuy thế, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của Đăk Lăk vẫn đang đứng trước những thách thức, nhất là phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài. Đồng thời, quy mô ngành nông nghiệp của địa phương vẫn còn manh mún, chưa liên kết phát triển thành chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp, hay nông nghiệp công nghệ cao…

Trước thực tế này, tại buổi làm việc mới đây với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền tỉnh Đăk Lăk đã đề nghị Bộ quan tâm hỗ trợ địa phương một số vấn đề như kinh phí để khắc phục hạn hán vụ đông xuân 2019 - 2020; kinh phí hoàn thành 13 dự án bố trí dân di cư ngoài kế hoạch đang triển khai thực hiện dở dang; xây dựng mới và sửa chữa các công trình thủy lợi…

Chính quyền tỉnh Đăk Lăk cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm giới thiệu, kết nối các DN có tiềm lực trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư, liên kết sản xuất với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân theo chuỗi giá trị, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Cùng với đó, xem xét, điều chỉnh một số nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với đặc thù vùng Tây Nguyên…

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, thời gian tới, Đăk Lăk cần xác định đúng lợi thế kinh tế để phát triển. Đó là phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch. Đặc biệt, phải rà soát, xác định đúng đối tượng cây công nghiệp chính để phát triển theo chuỗi giá trị, từ đó, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng. Đồng thời, cần tính toán lại việc phát triển các loại cây ăn quả và rau, củ để phát huy được tiềm năng hiện có.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp, Đăk Lăk cần đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Đối với phát triển lâm nghiệp, tỉnh cần khai thác tốt nguồn nguyên liệu rừng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển các đối tượng rừng trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao…

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xac-dinh-loi-the-de-phat-trien-nong-nghiep-103291.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.