Khủng hoảng nợ gia tăng trên toàn cầu

Theo thống kê từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ toàn cầu đã tăng thêm 87 nghìn tỷ USD kể từ năm 2007. Đồng thời, sự gia tăng của tổng nợ trở nên đột ngột đáng chú ý trong năm 2020 với tỷ lệ nợ toàn cầu trên GDP sẽ tăng 20 điểm phần trăm, lên 342%, dựa trên ước tính 3% quy mô kinh tế bị thu hẹp và tăng gấp đôi số tiền vay của chính phủ tính từ năm 2019.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các ngân hàng trung ương và chính phủ trên toàn thế giới phải phân bổ hàng nghìn tỷ USD cho các gói kích cầu, thông qua biện pháp mua trái phiếu và tăng chi tiêu ngân sách, để vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu, được cho là tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Tuy nhiên, những hành động đó lại đang đưa ra những tín hiệu cảnh báo về sự gia tăng gánh nặng nợ nần, trong bối cảnh khối nợ này đã phình to ra đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Theo thống kê từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ toàn cầu đã tăng thêm 87 nghìn tỷ USD kể từ năm 2007. Đồng thời, sự gia tăng của tổng nợ trở nên đột ngột đáng chú ý trong năm 2020 với tỷ lệ nợ toàn cầu trên GDP sẽ tăng 20 điểm phần trăm, lên 342%, dựa trên ước tính 3% quy mô kinh tế bị thu hẹp và tăng gấp đôi số tiền vay của chính phủ tính từ năm 2019.

Khủng hoảng nợ gia tăng trên toàn cầu
Dịch bệnh đang khiến các quốc gia thành viên OECD gia tăng nợ công

Sự gia tăng khối nợ này đang diễn ra trên khắp toàn cầu, từ các nền kinh tế phát triển đến các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã đưa ra cảnh báo về nợ công của các nước phát triển trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế mỗi quốc gia. Nguồn thu từ thuế giảm mạnh, chi phí cho công tác y tế và ngăn chặn dịch bệnh khiến các nước này có thể gánh thêm 17 nghìn tỷ USD nợ công, đẩy tỷ lệ nợ trung bình của chính phủ tăng từ 109% GDP lên hơn 137%. Khoản nợ bổ sung theo tỷ lệ gia tăng này tương đương với mức nợ trên đầu người là khoảng 13 nghìn USD/người với số dân 1,3 tỷ ở các quốc gia thành viên OECD. Thậm chí, mức nợ còn có thể tăng cao hơn nữa nếu khả năng phục hồi của nền kinh tế từ đại dịch chậm hơn so với dự đoán của các chuyên gia.

Tại Mỹ, Ngân hàng Deutsche Bank tính toán, nợ liên bang Mỹ do công chúng nắm giữ sẽ tăng mạnh từ mức 79% GDP trong năm 2019 lên 100% GDP trong năm nay và tiệm cận 125% GDP vào năm 2030. Đây là mức nợ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1940 đến nay.

Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, theo thống kê của Quỹ Quản lý Tài sản Pictet, Hy Lạp hiện là quốc gia ghi nhận mức nợ lớn nhất tính đến cuối năm 2019 ở mức trên 170% GDP. Tiếp theo, nợ của Italy vào khoảng 135% GDP và có khả năng tăng lên xấp xỉ 170% GDP- ngưỡng không bền vững nếu quốc gia này cần thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hoặc thực hiện các biện pháp chuyển đổi nợ.

Tại Anh, một quốc gia chịu tác động nhiều của dịch bệnh và phải tung ra nhiều gói kích thích đã chứng kiến sự gia tăng mạnh của mức nợ công. Sau khi Chính phủ nước này tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ hồi tháng 5, tổng nợ Chính phủ tăng lên đến 1.95 ngàn tỷ bảng, lần đầu tiên vượt quá quy mô nền kinh tế trong hơn 50 năm qua.

Về phía Nhật Bản, quốc gia phát triển nắm giữ mức nợ công cao nhất thế giới cũng tiếp tục đối mặt với bài toán phức tạp hơn. Số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy Nhật Bản sẽ gia tăng thêm gần 2.000 tỷ USD nợ nữa trong năm tài khóa này với những gói kích thích kỷ lục nhằm “chống sốc” cho nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19. Theo đó, tỷ lệ nợ công của Nhật Bản có thể tăng lên mức 250% GDP so với mức 240% GDP của năm ngoái.

Tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, nhiều nền kinh tế cũng đang đối mặt với gánh nặng nợ nần đi cùng với nhiều hệ lụy kèm theo. Theo IMF, nợ công của Brazil vào cuối năm nay có thể tăng lên tương đương 77,2% GDP và ở Nam Phi là tương đương 64,9% GDP, trong khi đó vào một thập kỷ trước, con số này lần lượt là khoảng 61% GDP và 35% GDP.

Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế đang phát triển, các quốc gia này không có tích lũy trong nước, hầu hết phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài để bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán và củng cố giá trị đồng nội tệ. Do đó, các khoản nợ gia tăng cùng với rủi ro lạm phát sẽ khiến các quốc gia này khó có thể thực hiện thêm các biện pháp kích thích kinh tế, từ đó đẩy kinh tế có thể rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng hơn.

Về tác động toàn cầu của cuộc khủng hoảng nợ, ông Mike Kelly, CEO của Tập đoàn Đầu tư PineBridge bày tỏ sự lo ngại cuộc khủng hoảng này sẽ khiến thế giới rơi lại vào bẫy tăng trưởng thấp, ngay sau khi kinh tế thế giới vừa lấy lại đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007. Ngoài ra, nợ do kích cầu quá mức sẽ phá hủy các nền kinh tế khi các chính phủ sẽ ngày càng phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương để kiểm soát chi phí vay hoặc thậm chí là trực tiếp tài trợ cho chi tiêu trong nhiều năm tới, trong đó chịu tổn thương nhiều nhất là các quốc gia đang phát triển và mới nổi.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khung-hoang-no-gia-tang-tren-toan-cau-103289.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.