![]() | Doanh nghiệp khởi nghiệp: Thích nghi để tồn tại |
![]() | Ngân hàng giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp |
![]() | Nỗ lực đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo Việt |
Trong thời gian qua, UBND TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để phát triển các startup. Điển hình như ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đến năm 2020, trong đó, thành phố nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng việc bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Chính quyền TP.HCM đã bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm cả những hộ kinh doanh cá thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp.
![]() |
Các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn được quan tâm để phát triển |
Ngoài ra, TP.HCM còn có thêm gói 2.000 tỷ đồng cho chương trình kích cầu đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ để quyết tâm thực hiện kế hoạch nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động vững mạnh và khu vực tư nhân sẽ đóng góp 65% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp thành lập mới tại thành phố là từ hai nguồn chính là khởi nghiệp và chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn đầu tư luôn là vấn đề gây trở ngại, chính vì thế, TP.HCM sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận với ngân hàng, các tổ chức tín dụng, cũng như các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Bình quân hiện nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp thành lập mới khoảng 16 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao gấp hai lần so với năm 2016.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.920 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm hơn 70%, còn lại là nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác.
Các gói hỗ trợ khởi nghiệp thực hiện gồm gói hỗ trợ tư vấn, đào tạo (hỗ trợ 30% kinh phí nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án); tổ chức sự kiện kết nối khởi nghiệp; ươm tạo dự án khởi nghiệp (50% kinh phí/dự án nhưng không quá 500 triệu đồng); tăng tốc dự án khởi nghiệp (giai đoạn doanh nghiệp khởi nghiệp kêu gọi đầu tư vốn nước ngoài để mở rộng dự án và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ).
Thành phố đã hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp với tổng kinh phí 23 tỷ đồng với mức hỗ trợ dao động từ 200 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Trong đó, có 21 dự án khởi nghiệp ngoài chi phí hỗ trợ của thành phố cũng đã được quỹ mạo hiểm tư nhân đầu tư 50% chi phí. Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp chọn những thị trường ngách, tránh cạnh tranh đối kháng cũng như bị các nước trong khu vực lấn lướt. Hiện các dự án khởi nghiệp đã thu hút mạnh các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư tư nhân tham gia.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cảnh báo vẫn còn dự án khởi nghiệp mang tính phong trào, chưa gắn liền với thị trường, có tính sao chép nhiều từ nước ngoài, chưa tạo được tính đột phá cho riêng mình. Các thủ tục tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp với thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiều sở, ban, ngành chưa hỗ trợ đồng bộ cũng đang là hạn chế lớn cho hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp. Để tăng hiệu quả cho hệ sinh thái khởi nghiệp, thành phố cần có cơ chế tài chính để thu hút vốn, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Các thủ tục chấp nhận đầu tư thành lập quỹ và thủ tục công nhận quỹ đầu tư phải được thuận lợi hơn. Một yếu tố quan trọng nhất là thành phố cần sớm hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động song song với quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân. Riêng với chính sách thuế, cần thiết phải miễn thuế doanh nghiệp khởi nghiệp ít nhất là từ 3 - 5 năm.
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đề xuất cần tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối thị trường, đầu tư, công nghệ mới… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Thành phố cần định hướng khởi nghiệp gắn với công nghệ thông tin, công nghiệp có giá trị gia tăng cao và ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo… Đây được xem là những ngành tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng cao và có khả năng làm thay đổi giao diện kinh tế của quốc gia. Một dự án khởi nghiệp được đánh giá là hiệu quả khi đáp ứng được 3 tiêu chí là tạo được công ăn việc làm, mang được giá trị cho xã hội và phát triển bền vững.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/de-phat-trien-cac-du-an-khoi-nghiep-102941.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.