Người trồng cao su đối mặt với khó khăn kép
10:34 | 10/06/2020
Theo các hộ trồng cao su tại Kon Tum, năm nay, sản lượng mủ khai thác được rất ít. Người trồng cao su đối mặt với việc vừa mất giá vừa mất mùa. Trước tình hình đó, đa phần các hộ trồng cao su hiện tự khai thác mủ để lấy công làm lãi.
Cây cao su từng được mệnh danh “vàng trắng” của người dân và các DN tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thế nhưng, những năm gần đây, cây cao su lại rơi vào tình trạng khủng hoảng khi giá mủ liên tục rớt thê thảm. Khó càng thêm khó, khi từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình xuất khẩu cao su ảm đạm, khiến giá cao su không thể vực dậy.
Hiện tại, mủ cao su tại khu vực Tây Nguyên đang được thu mua ở mức 220 đồng/độ. Trong khi đó, cùng thời điểm năm trước, giá ở mức 290 đồng/độ; mủ chén khô có giá 12.000 đồng/kg và 8.000 đồng/kg đối với mủ đông nước. Với mức giá này, trung bình 1ha cao su khoảng 400 cây thu được 20 - 25kg mủ/ngày, tương đương 150.000 - 200.000 đồng. Theo tính toán của các hộ trồng cao su thì các mức giá này không đủ chi phí tiền công thu hoạch!
![]() |
Ảnh minh họa |
Không dừng lại ở đó, thời tiết thất thường, nắng hạn kéo dài cũng làm cho năng suất mủ cao su ở nhiều địa phương tại khu vực Tây Nguyên sụt giảm, không có mủ. Dù thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch mủ song nhiều nông hộ trồng cao su tiểu điền cũng không mặn mà.
Theo các hộ trồng cao su tại Kon Tum, năm nay, sản lượng mủ khai thác được rất ít. Người trồng cao su đối mặt với việc vừa mất giá vừa mất mùa. Trước tình hình đó, đa phần các hộ trồng cao su hiện tự khai thác mủ để lấy công làm lãi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đức, TP. Kon Tum có 4ha cao su, vì không có người thu hoạch nên phải thuê nhân công khai thác. Mỗi lần phải trả cho nhân công gần 500 ngàn đồng. Thu hoạch được một tháng trừ hết các chi phí thì không lãi đồng nào!
Không riêng các nông hộ, các DN trồng cao su cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Võ Toàn Thắng, Tổng giám đốc Công ty cao su Chư Prông (Gia Lai), hiện nay, trên địa bàn nắng nóng vẫn còn rất gay gắt, đặc biệt là vùng biên giới Ia Mơr, nơi có cao su của Nông trường An Biên nắng nóng trên 40 độ C, nên một số diện tích hiện đã cạo mủ nhưng phải ngưng vì nắng nóng và khô hạn quá…
Theo nhận định của các DN, năm 2020, các DN cao su khu vực Tây Nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi thời điểm này năm trước các đơn vị đều lấy được mủ nước và tỷ lệ khai thác được đều trên 10% kế hoạch. Nhưng đến thời điểm này vẫn có một số DN sản lượng đạt chưa bằng năm trước...
Thái Hòa