![]() |
Doanh nghiệp FDI đang chiếm ưu thế trong ngành CNTT |
Mới đây, trong giữa đại dịch Covid-19, một ứng dụng về phương tiện công cộng với những cảnh báo cần thiết của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Đà Nẵng đã được ứng dụng rộng rãi tại New York, Mỹ. Điều đặc biệt là với ứng dụng này, đội ngũ lập trình viên Việt Nam chỉ mất vài ngày để xây dựng và hoàn thiện, rồi nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong mùa dịch.
Trên thực tế, trong 5 năm qua, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu. Năm 2019, doanh thu của ngành ước đạt 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp trên 14% cho GDP.
Thị trường quốc tế cũng ghi nhận những con số đáng khích lệ khi điện thoại, máy tính của Việt Nam lần lượt chiếm vị trí tốp 1 và tốp 3 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất siêu khoảng 28 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện.
Về triển vọng trước mắt, các chuyên gia cho rằng với việc EVFTA đã được Quốc hội thông qua, đây là cơ hội lớn để ngành công nghệ thông tin tiến sâu vào thị trường EU đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, chiếm 22% GDP toàn cầu. Trong đó, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao như công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Cơ hội phát triển đang rộng mở nhưng khó khăn đối với ngành công nghệ thông tin vẫn đang hiện hữu. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm: “Ngành công nghệ thông tin hiện vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, trong đó doanh thu của doanh nghiệp FDI chiếm tới 98% tổng doanh thu xuất khẩu. Các doanh nghiệp nội địa hiện chủ yếu tham gia vào khâu có giá trị gia tăng chưa cao như lắp ráp phần cứng, gia công phần mềm. Chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu Việt”.
Vì vậy, để doanh nghiệp công nghệ thông tin tìm được hướng đi mới cho riêng mình, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển bền vững. Mới đây, một địa phương đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với sự phát triển các loại hình mới.
Trong đó, địa phương này đề xuất, cần nghiên cứu xây dựng khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi sản xuất trong nước để tạo giá trị gia tăng cao; có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước; xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bao gồm startup, lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh.
Để triển khai tốt đề xuất này, theo các chuyên gia cần xác lập một đầu mối ở Trung ương và một đầu mối ở mỗi địa phương để thực hiện việc tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số.
Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đang là một thách thức rất lớn khi tính hiệu quả và sự nhạy bén của công tác đào tạo chưa đạt được hiệu quả cao, trong khi công nghệ thông tin là một ngành đặc thù với sự phát triển và thay đổi rất nhanh.
Vì vậy, “muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thì cần đổi mới cách thức triển khai; chia các mức độ thành thạo kỹ năng và kiến thức chuyên nghiệp cần thiết; các nội dung cần tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế, đảm bảo chất lượng sát hạch”, chuyên gia này chia sẻ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-nghe-thong-tin-viet-truoc-co-hoi-phat-trien-moi-102673.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.