Luật Đầu tư (sửa đổi) và kỳ vọng hóa giải những nút thắt

Việc bảo đảm thực hiện các ưu đãi với nhà đầu tư là vấn đề quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Song bên cạnh ưu đãi, cần cân nhắc trách nhiệm của nhà đầu tư trong các vấn đề như bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động.
Quốc hội bàn về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Luật Đầu tư (sửa đổi): Nóng dịch vụ đòi nợ
Luật Đầu tư (sửa đổi): Tiếp tục trình 2 phương án với kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Hướng đến đồng bộ, tránh chồng chéo

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ra toàn cầu đã thúc đẩy làn sóng dịch chuyển đầu tư để giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc. Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư này, theo các chuyên gia, Luật Đầu tư (sửa đổi) cần hướng đến tạo thuận lợi và ổn định cho môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. “Luật Đầu tư sửa đổi với nhiều thay đổi tích cực sẽ là tín hiệu quan trọng để thu hút và đón nhận xu hướng sự dịch chuyển luồng đầu tư trong khu vực và trên thế giới”, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam kỳ vọng.

Khi thảo luận về dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để Luật đồng bộ, tránh chồng chéo với các luật đang có hiệu lực thì cần xem xét hoàn thiện kỹ lưỡng. Đơn cử về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, Dự thảo Luật đã có quy định nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước trừ trường hợp quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài mà Chính phủ công bố (gồm danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; và danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện). Theo các đại biểu Quốc hội, cách tiếp cận này sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vì căn cứ vào danh mục này họ sẽ biết có thể đầu tư vào lĩnh vực nào để thực hiện các thủ tục đầu tư. Điều này sẽ khắc phục tình trạng các nhà đầu tư phải tự tìm hiểu, tự tra cứu các nội dung rất phức tạp ở các văn bản, từ các cam kết đến các điều luật thực tiễn đặt ra tại Việt Nam.

Tuy nhiên cách tiếp cận này cũng sẽ phát sinh nhiều bất cập và phần việc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát các văn bản liên quan là rất lớn để đảm bảo tính đầy đủ, không bỏ sót, không gây xung đột, mâu thuẫn giữa các luật làm mất lòng tin đối với nhà đầu tư. Hơn nữa, theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Dự thảo Luật quy định còn chung chung và giao Chính phủ công bố cụ thể sẽ khó khi triển khai thực hiện.

“Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm công bố, thời gian thực hiện thủ tục và cách xử lý khi xảy ra các xung đột giữa các luật cũng như quy định ảnh hưởng tiếp cận các nhà đầu tư, cách xử lý các tình huống, vi phạm nếu phát sinh để tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư một cách thuận lợi hơn và quản lý chặt chẽ vấn đề đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả hơn”, đại biểu này đề xuất.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, tính đồng bộ giữa các luật luôn là vấn đề của hầu hết các nước trên thế giới, kể các những nước phát triển. “Về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã áp dụng cơ chế một văn bản luật sửa nhiều văn bản luật để bảo đảm tính đồng bộ cũng như thời gian sửa đổi các luật đã có khác. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện vẫn có một số bất cập và cần được tiếp tục nghiên cứu thêm”, ông Cường nêu quan điểm.

Ưu đãi đi kèm trách nhiệm

Tại các điều 15, 16 và 17 của dự thảo luật đã quy định chi tiết về ngành, nghề, địa bàn, đối tượng và hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư. Các quy định này được xây dựng dựa trên cơ sở các nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 50 về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết số 52 về chủ động ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư), với cách tiếp cận mới là bổ sung các nguyên tắc, điều kiện về ưu đãi, đảm bảo hiệu quả và chất lượng của ưu đãi đưa ra (ưu đãi có thời hạn, dựa theo kết quả thực hiện, và trên cơ sở phải đáp ứng được các điều kiện trong quá trình được hưởng ưu đãi).

Dự thảo luật xác định, ưu đãi đầu tư sẽ được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Tuy nhiên thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi khi thực hiện dự án đầu tư mới và không phải tất cả dự án đầu tư mới đều được hưởng ưu đãi. Cùng với đó, cần xác định mức bao nhiêu thì được xếp vào dự án mở rộng để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc có DN lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để hưởng chế độ ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy định để xử lý được trường hợp một DN có thể đồng thời có nhiều dự án hoặc cấu phần với các mức thuế suất thuế thu nhập được ưu đãi khác nhau để tránh nguy cơ chuyển giá, trốn thuế. Ngoài ra, cần quy định rõ về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết (để được hưởng ưu đãi) thì phải có chế tài xử lý, thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng để đảm bảo chặt chẽ và công bằng.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, nhà đầu tư rất quan tâm đến các ưu đãi về thuế, lĩnh vực kinh doanh cũng như các điều kiện bảo đảm về tài sản, bảo đảm kinh doanh, và giải quyết tranh chấp phát sinh. Một thực tế hay gặp là trong khi các văn bản pháp luật có những quy định rõ ràng và cụ thể, nhưng những khó khăn thường xuất hiện trong quá trình thực thi và áp dụng các điều khoản của luật trên thực tế. “Do vậy, việc bảo đảm thực hiện các ưu đãi với nhà đầu tư theo như luật cho phép là vấn đề quan trọng. Song bên cạnh ưu đãi, có lẽ cũng cần cân nhắc trách nhiệm của nhà đầu tư, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động”, chuyên gia này lưu ý.

Dự kiến tại đợt 2, Kỳ họp thứ 9 bắt đầu vào tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/luat-dau-tu-sua-doi-va-ky-vong-hoa-giai-nhung-nut-that-102643.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.