Thực tế hoạt động cho thấy, các DNNVV hiện nay vẫn tiếp tục bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại như quy mô trung bình của DN dân doanh ngày càng nhỏ, thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ. Cùng với đó, việc thiếu vốn cũng đang xảy ra phổ biến, tuy việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay đã thuận lợi hơn rất nhiều do các ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các DNNVV. Tuy nhiên khả năng tiếp cận và hấp thụ các nguồn vốn tín dụng của các DN tư nhân chưa được cao, mà nguyên nhân chủ yếu là do tài sản thế chấp chưa đủ điều kiện và năng lực kinh doanh còn yếu kém. Thêm vào đó, các DNNVV vẫn còn rất nhiều hạn chế khác như công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị.
![]() |
Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải là “trợ thủ” đắc lực cho các DNNVV |
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNNVV (SISME) cho biết, trong bối cảnh đó, rất cần những giải pháp thiết thực. Trước mắt cần bổ sung các hành lang pháp lý cho DNNVV. Ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của QBLTD cho DNNVV. Nghị định này bao gồm những quy định rõ ràng về việc thành lập các tổ chức của QBLTD, tạo nên một cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, QBLTD là quỹ tài chính nhà nước do UBND tỉnh, thành phố thành lập và được cấp vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh. Nguyên tắc hoạt động của QBLTD là “tự chủ về tài chính, đảm bảo an toàn vốn”. Với những giới hạn đó, QBLTD chưa thực sự phát huy hiệu quả với vai trò hỗ trợ các DNNVV. Nhiều DN than phiền rằng rất khó xin được bảo lãnh từ quỹ vì nhiều hạn chế và với nguyên tắc bảo đảm an toàn vốn thì các QBLTD cũng không kém khắt khe so với ngân hàng khi xét duyệt hồ sơ của DN.
SISME cũng đã đề xuất với Chính phủ nên thành lập QBLTD Trung ương, đặt tại Hà Nội và các trung tâm chi nhánh tại các tỉnh, ông Nguyễn Kim Hùng cho biết thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hiện nay QBLTD vẫn còn nhiều hạn chế, từ vốn điều lệ, nguyên tắc hoạt động, điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng cho đến phạm vi và giới hạn cấp bảo lãnh tín dụng… khiến các DN không được hỗ trợ như mong muốn. Để giải quyết những hạn chế này, cần phải có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Về địa vị pháp lý, thay vì để các UBND tỉnh và thành phố tổ chức các QBLTD, thì nên tổ chức một QBLTD Quốc gia và chi nhánh. Một QBLTD sẽ được trang bị dồi dào về vốn, nhân lực, thực hiện các chủ trương của Chính phủ và tạo sự tin tưởng ở các ngân hàng.
QBLTD quốc gia hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, và có thể thu phí bảo lãnh từ các DN được bảo lãnh để bù đắp chi phí hoạt động, nhưng không hoạt động với mục tiêu lợi nhuận. Về an toàn vốn, Quỹ BLTD quốc gia được thành lập để hỗ trợ các DNNVV nên việc dùng vốn tự có để bồi thường cho ngân hàng trong việc thi hành nghĩa vụ bảo lãnh là một hoạt động hiển nhiên của Quỹ. QBLTD Quốc gia không được phép huy động vốn như phát hành trái phiếu hay vay từ các TCTD.
Cùng với đó, trong quá trình hoạt động, có thể vẫn duy trì các điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng nhưng cũng cần giảm nhẹ để DNNVV dễ tiếp cận hơn. Cùng với đó, phạm vi bảo lãnh tín dụng của quỹ có thể tối đa bằng 90% giá trị khoản vay, giá trị khoản vay còn lại phải được bổ sung bằng vốn tự có của DN vay vốn. Điều này ràng buộc nghĩa vụ trả nợ của DN với 10% giá trị khoản vay thay vì đẩy hoàn toàn trách nhiệm trả nợ cho Quỹ, ông Hiếu nhận định.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quy-bao-lanh-tin-dung-tai-co-cau-de-phu-hop-thuc-tien-102596.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.