![]() |
Toạ đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng |
Phát biểu khai mạc tại buổi toạ đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chúng ta chứng kiến cuộc “di dân” vĩ đại của thế giới trên không gian số để phòng chống Covid-19. Đại dịch lại là chất xúc tác để chúng ta có thể đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động xã hội trên không gian số. Trong khi đó, Việt Nam có hạ tầng số phát triển khá mạnh so với các nền kinh tế trong khu vực. Đây là lợi thế để chúng ta có thể chuyển nền kinh tế số sang không gian số, thúc đẩy số hóa trong các doanh nghiệp.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, việc tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc rất quan trọng đó là phải thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Số hóa và quốc tế hóa đang trở thành những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
![]() |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc toạ đàm |
Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng rằng, “Từ tọa đàm trực tuyến này cũng như sự bắt nhịp của các doanh nghiệp, ngân hàng thì thanh toán điện tử sẽ đáp ứng đúng yêu cầu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%”.
Trao đổi tại buổi toạ đàm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) cho biết: Hiện nay, các ngân hàng đã xem ngân hàng số là chiến lược kinh doanh chứ không còn chỉ là dự án công nghệ thông tin. Ngành ngân hàng rất khác với nhiều ngành kinh tế khác khi trong thời đại công nghệ số, không làm nhanh thì khách hàng sẽ ra đi. Và đó là lý do mà năm vừa qua đã có sự dịch chuyển khách hàng từ một số ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Ngay trong tháng 6 này, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý trong Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (hiện Nghị định này đang đà dự thảo). Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện, ông Phạm Tiến Dũng cho biết thêm.
Chia sẻ về kết quả hoạt động sau dịch bệnh, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số, BIDV cho biết: Trong đợt dịch Covid-19, BIDV đã tích hợp VinID với hạng mục “đi chợ online” để tăng tiện ích cho khách hàng. Ngoài ra, các dịch vụ trên Smartbanking có tăng trưởng lớn. Trong đó khách hàng có thể sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng.
![]() |
Quang cảnh buổi toạ đàm |
Đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ông Phạm Quang Đệ, Giám đốc Công nghệ Ngân hàng số đã đưa ra những thống kê về mức tăng trưởng của thanh toán điện tử sau dịch Covid-19. Theo đó, lượng giao dịch thanh toán điện tử của ngân hàng này đã phát triển cực kỳ mạnh với mức tăng trưởng 20% đạt 15.000 tỷ đồng về tổng giá trị giao dịch; tăng trưởng 28% về giao dịch chuyển tiền, rút tiền, trả lương; tăng trưởng 60% về dịch vụ tiết kiệm”.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA nhấn mạnh đến vai trò của dịch vụ hỗ trợ thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua ứng dụng của doanh nghiệp để phát triển ngân hàng số trong mùa dịch qua.
"Dịch vụ này không chỉ giúp kế toán rút ngắn thời gian và công sức thực hiện giao dịch ngân hàng mà bản thân các ngân hàng cũng tiết kiệm được thời gian phục vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng", ông Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định sự thay đổi quá nhanh của công nghệ dường như khiến các quy định, thể chế không đuổi theo kịp. Nhìn nhận về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho rằng: Chúng ta mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới. Do đó phải thay đổi, cho phép những mô hình đổi mới sáng tạo với những thứ chưa có cơ sở pháp lý.
Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc so sánh: Với cơ sở hạ tầng cứng của nền kinh tế số, nền tảng công nghệ số đã vượt lên trên hạ tầng mềm, hệ thống quy định pháp lý, hệ thống thể chế liên quan đến kinh tế số.
“Do đó, hai nền tảng này (nền tảng cứng và nền tảng mềm) cho nền kinh tế số phải được thực hiện song hành để thúc đẩy nền kinh tế số và thúc đẩy hệ thống ngân hàng số và bộ phận thanh toán điện tử trong nền kinh tế nước ta” Chủ tịch VCCI khẳng định.
Để thúc đẩy kinh tế số trong thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng nhắc đến 2 điểm cần lưu ý với các ngân hàng. Thứ nhất, phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. Thứ hai, câu chuyện quan trọng hơn là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.
Bên cạnh đó, trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác-ngân hàng- Fintech. Bởi hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa Ngân hàng – Fintech để cùng phát triển. Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dich-covid-19-chat-xuc-tac-cho-cuoc-di-dan-tren-khong-gian-so-102037.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.