Không những thế, việc công chứng ngoài trụ sở trái quy định pháp luật diễn ra khá phổ biến, nhất là việc công chứng các hợp đồng thế chấp tại các ngân hàng. Thậm chí có ngân hàng còn cho phép nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng đặt bàn giao dịch, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng và cho các bên ký kết vào hợp đồng, giao dịch để công chứng ngay tại trụ sở ngân hàng, không có sự chứng kiến của công chứng viên.
![]() |
Hoạt động công chứng tại địa phương đang dần được quản lý chặt chẽ |
Bên cạnh đó, có tình trạng công chứng viên không kiểm tra, đối chiếu bản chính, thậm chí không có bản chính giấy tờ, văn bản nhưng vẫn thực hiện việc công chứng; các bên không trực tiếp ký tên trước mặt công chứng viên; nhiều hợp đồng, giao dịch lãnh đạo ngân hàng không ký vào từng trang của hợp đồng.
Có hiện tượng thực hiện công chứng treo, lưu giữ hồ sơ công chứng không đúng quy định pháp luật các hợp đồng chuyển nhượng liên quan quyền sử dụng đất của khách hàng (hợp đồng công chứng chỉ có thông tin bên chuyển nhượng, thiếu thông tin bên nhận chuyển nhượng) nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất; tạo dựng các hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất nhằm mục đích che đậy các giao dịch trái pháp luật khác (tín dụng đen, vay nặng lãi)...
Có hiện tượng mở các chi nhánh, văn phòng giao dịch hoặc mở điểm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng trái quy định pháp luật. Không những thế, theo bà Bùi Thanh Hương - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Ninh, qua quá trình giám sát, ở một số địa phương đã có tình trạng một số cán bộ, công chức địa chính, tài nguyên cấp xã mở điểm giao dịch, thu gom hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất cho các văn phòng công chứng thực hiện công chứng trái quy định.
Những việc làm trên đều là những hành vi công chứng trái pháp luật, không bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch, nguy cơ cao dẫn đến việc phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp tiếp tay cho hành vi trốn thuế (chủ yếu là trốn thuế chuyển quyền sử dụng đất) hoặc các hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
Trước thực trạng trên, để ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật, mới đây Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh phối hợp chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nghiêm cấm các tổ chức hành nghề công chứng đặt điểm giao dịch, bàn tiếp nhận hồ sơ công chứng tại trụ sở của cơ quan, đơn vị. Yêu cầu đại diện lãnh đạo ngân hàng đăng ký mẫu chữ ký với các tổ chức hành nghề công chứng để có cơ sở xem xét, đối chiếu; khi ký hợp đồng, giao dịch với khách hàng trước khi công chứng phải ký nháy vào từng trang của hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật Công chứng.
Sở Tư pháp Bắc Ninh cũng đề nghị Hội Công chứng viên tỉnh yêu cầu các công chứng viên, các tổ chức hành nghề trên địa bàn tỉnh chấm dứt ngay việc bố trí các điểm tiếp nhận hồ sơ ngoài trụ sở; nghiêm cấm việc thực hiện công chứng treo, lưu giữ hồ sơ các hợp đồng, giao dịch... trái pháp luật. Tăng cường quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình nhằm chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, có biện pháp khắc phục những hậu quả đã phát sinh (nếu có), nghiêm túc tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của Luật Công chứng 2014, pháp luật khác có liên quan.
Nghiêm túc thực hiện Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực trong hoạt động công chứng theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục và chấm dứt ngay các thiếu sót, sai phạm đã nêu trên hoặc đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra. Các trường hợp vi phạm, Sở Tư pháp sẽ có những biện pháp kiên quyết để xử lý.
Cụ thể, nếu trong thời hạn 6 tháng mà không bổ sung đủ số lượng công chứng viên hợp danh theo quy định sẽ bị đình chỉ hoạt động, tiến đến thu hồi Giấy Đăng ký hoạt động. Áp dụng nghiêm túc các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi vi phạm theo quy định của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, các quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Công chứng 2014 để xem xét, đề nghị Bộ Tư pháp miễn nhiệm đối với công chứng viên vi phạm: “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc”.
Thời gian tới, Sở Tư pháp Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Tòa án Nhân dân, Viện KSND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận thông tin vi phạm của các tổ chức hành nghề công chứng hoặc công chứng viên để làm cơ sở thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bac-ninh-chan-chinh-vi-pham-hoat-dong-cong-chung-101885.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.