Tương lai của Eurozone đang bị đe dọa
10:00 | 14/05/2020
Tương lai của khu vực đồng euro lại một lần nữa được đặt lên bàn cân sau khi Tòa án Hiến pháp Đức hôm thứ Ba tuần trước đưa ra phán quyết nêu rõ, chương trình kích thích kinh tế mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) triển khai từ năm 2015 là trái với luật pháp của Đức.
![]() | Các kế hoạch giải cứu kinh tế của EU có nguy cơ đổ bể |
![]() | ECB chuyển hướng chính sách, kích thích ngân hàng cho vay |
![]() | ECB bất ngờ giữ nguyên lãi suất |
Bất đồng quan điểm
Phán quyết của Tòa án Đức nêu rõ, Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) của ECB – thực chất là Chương trình nới lỏng định lượng (QE) - có thể can dự vào chính sách kinh tế thay vì chính sách tiền tệ cũng như có thể hỗ trợ trực tiếp cho các chính phủ châu Âu, trong khi cả hai vấn đề trên ECB đều không được phép thực hiện. Phán quyết cũng cấm NHTW Đức tham gia Chương trình này của ECB trừ khi ECB có giải thích rõ ràng hơn về sự cần thiết của hoạt động này.
![]() |
ECB là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ chung tại khu vực Eurozone |
Tuy nhiên phán quyết này chỉ đề cập đến PSPP chứ không liên quan tới gói kích thích trị giá 750 tỷ euro (815 tỷ USD) với tên gọi là Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) vừa được ECB thông qua tháng trước nhằm hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng tiền chung (Eurozone) ứng phó với đại dịch Covid-19.
ECB bắt đầu triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ vào năm 2015 nhằm thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro. Chương trình kích thích kinh tế này đã kết thúc vào năm 2018, nhưng đã được khởi động lại vào cuối năm 2019 khi các chỉ số kinh tế của khu vực vẫn còn yếu ớt.
Mặc dù ECB ngay lập tức phản ứng và cho rằng hoạt động của mình tuân theo các quyết định của Tòa án Công lý châu Âu chứ không phải các tòa án cấp quốc gia. Tuy nhiên, phán quyết của Đức cũng làm nảy sinh một vấn đề chưa từng có tiền lệ và đặt một dấu hỏi lớn về tương lai của khu vực đồng tiền chung (Eurozone).
“Mọi người sẽ hỏi: Liệu điều này có làm tăng nguy cơ tan vỡ (khu vực đồng euro) không?”, Marchel Alexandrovich - chuyên gia kinh tế châu Âu tại Jefferies nói qua điện thoại với CNBC hôm thứ Hai. Mặc dù theo Alexandrovich, quyết định của Tòa án Đức khó có thể khiến khối 19 quốc gia sử dụng đồng euro tan vỡ, nhưng điều đó cũng sẽ hỗ trợ các quan điểm không ủng hộ khi nói đến chính sách tiền tệ của ECB.
“Nó sẽ củng cố quan điểm của những quốc gia phản đối chính sách này” Alexandrovich nói với hàm ý nhắm tới các quốc gia như Áo và Phần Lan vốn thường ủng hộ chính sách tiền tệ chặt chẽ và lãi suất cao hơn. Trong khi suốt một thập kỷ qua, ECB vẫn duy chì một chính sách tiền tệ khá lỏng lẻo.
Theo cơ chế hiện nay, khu vực Eurozone đều sử dụng chung một đồng tiền là euro và ECB quyết định chính sách tiền tệ trong toàn khu vực, tuy nhiên 19 quốc gia thành viên lại giám sát chính sách tài khóa của riêng mình. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức là vụ việc mới nhất cho thấy sự khác biệt giữa các thể chế quốc gia và châu Âu.
Stephen Gallo – Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Bank of Montreal cho rằng, quyết định của tòa án Đức có thể làm tăng nguy cơ chia tách về pháp lý, kinh tế và tài chính trong khối.
QE gặp rủi ro
“Trừ khi có những thay đổi lớn đối với luật pháp của Đức và/hoặc EU, ECB có thể không “hấp thụ” được nhiều rủi ro trên bảng cân đối kế toán của mình thông qua QE, điều đó có nghĩa là những rủi ro đó vẫn nằm trong hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên”, Gallo nói.
Vấn đề lại càng trở nên khó khăn đối với các quốc gia có mức nợ Chính phủ cao như Ý. Theo đó chi phí vay nợ của Chính phủ Ý này sẽ tăng nếu ECB bị ngăn chặn mua trái phiếu của Ý, vì các nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro lớn hơn về khả năng vỡ nợ của Chính phủ Ý.
“Nhìn rộng ra bức tranh toàn khối, hình ảnh cơ bản là một trong số các quốc gia thành viên có một loạt các ưu tiên khác nhau, liên quan đến một số tổ chức của EU dường như có ý định cố gắng tập trung hóa toàn bộ sự việc”, Gallo nói thêm.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm Chủ nhật vừa rồi (10/5), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Phán quyết gần đây của Tòa án Hiến pháp Đức đặt ra hai vấn đề cần phải giải quyết của Liên minh châu Âu: Hệ thống đồng Euro và Hệ thống pháp lý châu Âu”. Bà cũng nói thêm rằng, luật pháp châu Âu có tính ưu tiên cao hơn luật pháp quốc gia và các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu có giá trị ràng buộc đối với tất cả các tòa án quốc gia.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức sẽ được tái sử dụng bởi các quốc gia thành viên có bất đồng với các tổ chức châu Âu.
“Rủi ro là vấn đề này đang đặt ra một tiền lệ”. Nó thậm chí có thể được sử dụng về mặt chính trị nhiều hơn so với các điều khoản kinh tế và tài chính - ví dụ như Hungary và Ba Lan, những quốc gia đang có những mâu thuẫn riêng với các tổ chức châu Âu”, Cameron Holger Schmieding - nhà kinh tế châu Âu tại Berenberg cho biết trong một email tuần trước.
Theo đó, cả Hungary và Ba Lan đã bị Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU điều tra, vì đã coi thường một số giá trị của liên minh. Bởi vậy có những lo ngại rằng phán quyết của Tòa án Hiếp pháp Đức sẽ khuyến khích hai nước này thách thức mọi quyết định đưa ra tại Brussels.
Erik Nielsen - Nhà kinh tế trưởng tại UniCredit cho biết, quan điểm của Bundestag (quốc hội Đức) cũng rất đáng chú ý. Theo vị chuyên gia này, Chủ tịch Bundestag Wolfgang Schäuble – người cũng thường xuyên chỉ trích ECB đã từng nói rằng… “có thể là sự tồn tại của đồng euro hiện đang bị nghi ngờ ở các quốc gia thành viên EU khác - bởi vì mọi tòa án hiến pháp quốc gia đều có thể phán xét chính nó”.
Hoàng Nguyên