![]() | Triển khai Brexit giai đoạn 2 liệu có suôn sẻ? |
![]() | Những mốc quan trọng trong tiến trình Brexit |
![]() | Brexit và Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh |
Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1 để bước vào giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn mà Anh phải nỗ lực đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại với EU bao gồm 27 quốc gia thành viên. Trong giai đoạn này, Anh vẫn được hưởng tất cả các ưu đãi thương mại với EU như trước, song cũng phải tuân thủ tất cả các quy tắc của EU cho dù nước này sẽ không còn quyền biểu quyết những vấn đề quan trọng của khối.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ấn định thời hạn chuyển tiếp kéo dài đến hết năm nay và cam kết sẽ ký kết thỏa thuận thương mại hậu Brexit trước thời hạn đó. Nếu đến cuối năm mà hai bên không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ phải ra đi mà không có bất kỳ một thỏa thuận nào.
Tuy nhiên điều mà Anh và EU đều không ngờ tới đó là đại dịch Covid-19 bùng phát và lan nhanh tại châu Âu. “Đại dịch đã chiếm lĩnh hoàn toàn các chương trình nghị sự ở cả EU và London, khiến các cuộc đàm phán Brexit trở thành một vấn đề thứ yếu”, Constantine Fraser - Nhà phân tích chính trị châu Âu tại Công ty nghiên cứu TS Lombard nói. Vì vậy theo nhà phân tích này, “rất khó đạt được thỏa thuận trong thời gian giới hạn trong năm nay. Đại dịch có nghĩa là hiện tại (các cuộc đàm phán) sẽ không thể diễn ra”.
Các đoàn đàm phán của Anh và châu Âu đã tiến hành điện đàm vào thứ Tư lần đầu tiên kể từ khi cả hai nhà đàm phán chính của hai bên bị buộc phải tự cách ly vì dịch bệnh. Cụ thể nhà đàm phán của EU Michel Barnier đã thử nghiệm dương tính với coronavirus vào tháng 3, nhưng hiện ông đã bình phục. Trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông cũng thử nghiệm dương tính với virus chết người này vào tháng trước. Thủ tướng Anh cũng đã được xuất viện vào ngày 12/4.
Tuy nhiên, nhà đàm phán của Anh David Frost cho biết, Thủ tướng Anh không có ý định yêu cầu gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hiện tại. Một phát ngôn viên của chính phủ Anh cũng lặp lại hôm thứ Năm rằng London sẽ không yêu cầu trì hoãn.
“Chính phủ Anh khẳng định rằng tất cả đang đi đúng hướng, nhưng tất cả chúng ta đều nghi ngờ là không như vậy”, Vicky Pryce - Cố vấn kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh tại London nói. “Tôi nghe nói rằng khá nhiều công chức đang làm về vấn đề Brexit đã tạm thời bị cách ly vì coronavirus và điều đó sẽ trì hoãn tiến trình đàm phán”, bà nói thêm.
Theo quy định, Anh có thời hạn đến ngày 1/7 để đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp. Việc gia hạn có thể kéo dài đến hai năm, nghĩa là đến tháng 12/2022. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) - tổ chức thực hiện đàm phán với Anh thay mặt cho 27 quốc gia EU còn lại - nói rằng họ sẵn sàng thảo luận về việc gia hạn. Điều đó có nghĩa EU “mở cửa” để Chính phủ Anh bắt đầu tiến trình này.
“Chúng ta không nên loại trừ việc gia hạn. (Các bộ trưởng của Vương quốc Anh) có thể sẽ chấp nhận sự chậm trễ 6 hoặc 12 tháng do hoàn cảnh”, Kallum Pickering - nhà kinh tế học Anh tại Berenberg nói.
Anna Rosenberg - Trưởng bộ phận châu Âu và Anh tại tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Signum Global cho biết, cuộc khủng hoảng coronavirus đã tăng xác suất gia hạn thời gian chuyển tiếp lên 60% từ mức 20%.
“Tuy nhiên, để giữ thể diện Anh rất có thể từ chối yêu cầu và/hoặc khuyến khích EU cấp quyền gia hạn đó. Bạn cũng rất có thể thấy đề nghị gia hạn đó vào những phút cuối, tức vào tháng 12 chứ không phải vào tháng 6 và sẽ được thể hiện dưới dạng một cuộc đàm phán giai đoạn 2 chứ không phải là một sự gia hạn”, Rosenberg nói.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dich-benh-de-doa-thoa-thuan-hau-brexit-101604.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.