Khi những người lính “Vẫn là binh nhất”

Tiếng súng chiến trận đã im lâu rồi, Tổ quốc đã, đang và ngày một phát triển không ngừng trong hòa bình. Tuy nhiên, đề tài về chiến tranh vẫn được nhiều người cầm bút từng đi qua những cuộc chiến quan tâm, như tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” của nhà văn Trần Văn Tuấn vừa ra mắt, đem đến cho bạn đọc niềm tự hào dân tộc.

Trong nền văn học Việt, có nhiều tác phẩm văn xuôi về đề tài chiến tranh đã để lại dấu ấn với công chúng. Các tác phẩm chung đề tài nhưng được các tác giả thể hiện khác nhau, không ai giống ai và qua đó tạo nên bức tranh đa sắc, sự phong phú cho dòng sáng tác này.

“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh không chỉ viết về chiến tranh mà còn là sự chứng thực của những biến động xã hội mà người Việt Nam phải trải qua sau những năm tháng chiến đấu vì tự do. Tác phẩm này đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Châu Á năm 2011. Đó còn là Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh - một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử tái hiện lại trung thực những gì đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam cộng hòa. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã được tôn vinh trong giải thưởng dành cho các nhà văn, nhà thơ khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Giải thưởng văn học ASEAN, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, được dịch sang tiếng Anh...

Khi những người lính “Vẫn là binh nhất”
Bìa cuốn tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất”

Đặc biệt gần đây, bạn đọc có dịp được thưởng thức tác phẩm mới về đề tài chiến tranh, đó là tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” của nhà văn Trần Văn Tuấn. Tác giả này không còn lạ lẫm với bạn đọc khi đã xuất bản gần 40 tập tiểu thuyết, truyện ngắn; được Giải thưởng văn chương ASEAN 2007, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2011. Năm 1970, lúc đang học trung cấp nghề, Trần Văn Tuấn đã gia nhập quân đội, vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ thời chống Mỹ. Cuối năm 1978, ông trở lại quân đội khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Ông làm báo từ trong chiến tranh, là một trong những gương mặt văn học quen thuộc của thế hệ nhà văn thời hậu chiến. Hiện nay Trần Văn Tuấn đang là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

“Vẫn là binh nhất” dày 414 trang, trong đó phần lớn các trang viết tác giả dành để nói về “bom đạn và nắng mưa“. Nhân vật chính trong tác phẩm là Hải, một thanh niên từ ngoài Bắc vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Nam bộ - một hình tượng nhân vật được xây dựng với nguyên mẫu gần giống với tác giả tiểu thuyết, từ hoàn cảnh xuất thân đến dáng vẻ, tính cách, sự trải nghiệm với những nhiệm vụ cụ thể được giao phó. Ở mỗi trường đoạn, Trần Văn Tuấn lần lượt cho xuất hiện những nhân vật với tên gọi, cá tính khác nhau. Nhưng nhân vật Hải, chàng trai quê vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ vừa tốt nghiệp cấp 3 vào bộ đội là nhân vật trung tâm, sợi dây xuyên suốt tác phẩm. Vào bộ đội, huấn luyện tại Nho Quan (Ninh Bình) rồi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam bộ, Hải gặp Cỏn “cối xay”, Phong “người đàn ông đẹp trai”… Trước khi đặt chân tới B2 – chiến trường miền Đông Nam Bộ, anh lính Tân binh C ở tiểu đội 3 trung đội 3 đại đội 3 ấy bị sốt rét, không theo kịp đơn vị phải “tụt tạt” vào các đơn vị thu dung, hậu cần, tăng gia sản xuất, coi kho… Ở đây, thử thách đầu tiên với Hải không phải “hòn tên, mũi đạn” mà bằng những trận sốt rét.

Đọc đến trang cuối của cuốn sách, người đọc mới cảm nhận được tại sao hai phần đầu của “Vẫn là binh nhất”, Trần Văn Tuấn lặp đi lặp lại tiêu đề: “Mưa nắng và đạn bom” rồi “ Bom đạn và nắng mưa”. Có phải không hai yếu tố ấy là đặc điểm của chiến trường, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Cũng chính trong môi trường khắc nghiệt “lửa thử vàng” ấy, phẩm chất con người mới hiện lên một cách chân thực nhất. Và thông qua số phận các nhân vật trong “Vẫn là binh nhất”, Trần Văn Tuấn đã gỡ bỏ từng lớp hỗn tạp, rối ren của đời sống sinh học, đời sống tinh thần trong những hoàn cảnh đặc biệt, trong sự tranh chấp quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa bình thường và tầm thường, giữa khát vọng trong sáng và dục vọng thấp hèn, giữa niềm tin và thất vọng để hé lộ màu sắc diệu kỳ của hạnh phúc.

Không còn kiểu truyện một chiều ta tốt địch xấu, ta thắng địch thua, “Vẫn là binh nhất” thực sự là một tiểu thuyết được xây dựng công phu bằng trải nghiệm thực tế, cộng với tài năng, tri thức và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn dưới góc nhìn nhân bản. Ở đó có tình đồng đội giữa chỉ huy với chiến sĩ, giữa lính cũ với lính mới, giữa lính tác chiến với lính quân y, hậu cần. Tình đồng đội giữa Hải với Phong, Cường, Cỏn cối xay, Sơn Nam Trấn thật cảm động. Cái đặc sắc trong tiểu thuyết chính là những đồng cảm, chia sẻ chân thành của tác giả với những người lính đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc (ở bất kỳ vị trí công tác nào) mà khi hòa bình lập lại họ vẫn sống và làm việc như những công dân mẫu mực theo đúng tinh thần của một người lính cách mạng “tham gia chiến đấu không phải để lên cấp, lên chức”.

Có thể nói tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” đã đặt một cột mốc mới trên hành trình văn chương viết về chiến tranh của nhà văn Trần Văn Tuấn, cũng như một tác phẩm mới về đề tài chiến tranh đã chạm đến sâu thẳm cảm xúc của người đọc.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khi-nhung-nguoi-linh-van-la-binh-nhat-101403.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.