![]() | Hải sản rớt giá, ngư dân lao đao |
Phụ thuộc vào đầu nậu
Tại khu vực duyên hải miền Trung cũng như ở nhiều khu vực khác của cả nước, đầu ra của các sản phẩm hải sản luôn bấp bênh do phụ thuộc vào các thương lái, đầu nậu. Trong khi đó, nhiều siêu thị luôn sẵn sàng đón nhận nguồn cung hải sản có chất lượng từ bà con ngư dân. Câu chuyện đưa hải sản ngư dân vào siêu thị tưởng chừng rất đơn giản, song trên thực tế lại rất khó thực hiện... Hệ lụy cả ngư dân lẫn người tiêu dùng đều thiệt thòi.
![]() |
Cả người tiêu dùng lẫn ngư dân đang chịu những thiệt thòi |
Trong thời điểm thị trường đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, khiến cho giá các loại hải sản của bà con ngư dân xuống thấp. Những thời điểm trước vốn đã bấp bênh do bà con quá phụ thuộc vào các “đầu nậu”, nay lại càng phải phụ thuộc, khó khăn hơn. Bởi vậy, việc tìm kiếm các giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế, ổn định đầu ra hải sản cho ngư dân đang là cấp thiết. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại cảng cá Âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), một trong những cảng cá lớn nhất nhì khu vực miền Trung, từ lâu nay hầu hết ngư dân không bán cá trực tiếp cho nhà máy cũng như cơ sở chế biến mà phải qua đầu nậu. Đây là những người đã cung cấp tiền, phí tổn cho bà con trước các chuyến đi biển. Theo đó, để có chi phí chuẩn bị cho một chuyến vươn khơi, như mua lương thực, thực phẩm, đá lạnh, gas, tiền nhân công, đặc biệt là khoản xăng dầu... bà con phải gặp các tiểu thương này để ứng trước khoản tiền có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí muốn tu sửa tàu thuyền, cần nguồn tiền lớn bà con ngư dân cũng đến gõ cửa nhà đầu nậu... Đổi lại sau những chuyến đi biển, đánh bắt được bao nhiêu, bà con phải bán lại cho những người này, giá cả mua bán với giá, số lượng bao nhiêu đều do các tiểu thương quyết định. Giữa ngư dân và những người này gần như có những bản hợp đồng vô hình, nhưng ràng buộc chắc chắn.
Cũng có những tiểu thương, “đầu nậu” làm ăn nghiêm túc, không bắt ép ngư dân... song số này chiếm rất ít. Còn lại, phần đông đều kinh doanh chụp giật, làm giàu trên mồ hôi công sức của bà con. Bởi, những người này thường thống nhất giá cả với nhau, nên ngư dân rất khó để “bẻ kèo” không bán cho người này mà bán cho người khác, vì mức giá gần như là như nhau. Chưa kể đến việc bà con càng đánh bắt được nhiều lại càng bị ép giá, vậy nên ngư dân thường phải chịu cảnh được mùa, mất giá triền miên.
Ngư dân Nguyễn Tấn Cư, trú quận Sơn Trà chia sẻ, chuyện bị ép giá diễn ra như cơm bữa. Anh Cư dẫn chứng, vừa rồi anh mới trúng mẻ cá hố loại lớn. Tuy nhiên, vào đến bờ tiểu thương chỉ thu mua với 50 nghìn đồng/kg. Chỉ sau đó mấy tiếng, những người này bán lại cho các cơ sở chế biến trên bờ với mức giá gần 100 nghìn đồng/kg. Cá hố đang là loại hải sản được ưa chuộng trên thị trường Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác, giá của sản phẩm này cũng không ngừng tăng cao, nhưng hầu như chỉ có đầu nậu, thương lái, các cơ sở chế biến là thu lợi, còn ngư dân vẫn chịu thiệt thòi dù tốn nhiều công sức...
Kết nối để tiêu thụ hải sản
Biết mình phải chịu thiệt thòi, song việc bán trực tiếp cho các cơ sở chế biến hay các nhà máy lại là chuyện không dễ với ngư dân. Bởi, trước hết về thủ tục bà con phải “xếp hàng”, chờ làm thủ tục mất cả ngày mới đến lượt mình. Bán được hàng rồi, lại phải tiếp tục chờ mới lấy được tiền, trong khi ngư dân luôn cần “tiền tươi”. Chưa kể về phía các chủ cơ sở cũng muốn mua thông qua các đầu nậu, bởi luôn có sẵn nguồn hàng, số lượng lớn, và nguồn hải sản bước đầu cũng đã được phân loại, không còn hổ lốn.
Theo đại diện Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng, lâu nay đã hình thành mối liên kết giữa đầu nậu và ngư dân theo phương thức chủ nậu cho ngư dân vay tiền mua sắm ngư cụ, đầu tư phí tổn để ra khơi, khi ngư dân khai thác hải sản về phải bán lại cho chủ nậu, ngư dân không cần thế chấp, không phải chịu lãi suất. Nhìn bề ngoài tưởng chừng có lợi cho ngư dân, nhưng thực tế thì việc mua bán không thực hiện theo nguyên tắc thị trường bình thường. Ngư dân luôn bán hải sản với giá thấp hơn thực tế bởi phải qua khâu trung gian và tiêu thụ nhỏ lẻ. Và người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt thòi, khi giá hải sản ở cảng cá và giá bán ngoài chợ, luôn một trời một vực.
Thực tế, vấn đề kết nối hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân cũng từng được chính quyền TP. Đà Nẵng lẫn một số địa phương ở khu vực miền Trung đặt ra, song trên thực tế việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, như chương trình đấu giá hải sản cho ngư dân, với kỳ vọng tạo ra môi trường mua bán thuận lợi, minh bạch, làm gia tăng giá trị hải sản của bà con đánh bắt được và đặc biệt tránh việc tư thương ép giá ngay tại cảng cá... Thế nhưng, xem ra để có thể thực hiện được việc này không phải dễ. Từ năm 2018, TP. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ở khu vực miền Trung tổ chức thí điểm đấu giá hải sản ngay tại cảng cá. Tuy nhiên, đến nay việc đấu giá dường như vẫn dẫm chân tại chỗ...
Trong khi đó về phía các siêu thị, lại sẵn sàng đón nhận các sản phẩm hải sản của bà con ngư dân. Đại diện một siêu thị ở TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay nguồn hải sản vẫn chủ yếu do “siêu thị mẹ” cung cấp. Bên cạnh, nguồn hàng phân phối này, các siêu thị ở từng địa phương đều có “kênh” khác là tự kinh doanh hàng khi trực tiếp thu mua hải sản trên địa bàn. Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng phải qua sơ chế, đóng gói, có bao bì, mẫu mã đẹp. Điều này, nói lên rằng các siêu thị sẽ không thu mua các sản phẩm hải sản “thô”, mặc dù rất tươi ngon của bà con ngư dân đánh bắt được...
Để giải quyết được khúc mắc này, rõ ràng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tự bản thân các ngư dân hay siêu thị cũng khó để có thể giải quyết được. Cụ thể, cơ quan chức năng cần hỗ trợ, xây dựng được mô hình tổ/đội/nghiệp đoàn nghề cá. Khai thác chế biến hải sản theo chuỗi từ khâu cung ứng dịch vụ hậu cần cho từng chuyến đi biển, khai thác thu mua, chế biến bảo quản và trực tiếp cung ứng ra thị trường cho các siêu thị, cơ sở chế biến xuất khẩu... Chỉ có như vậy, mới không còn cảnh, ngư dân làm, đầu nậu hưởng, người tiêu dùng thiệt thòi như hiện nay.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/da-dang-kenh-tieu-thu-hai-san-101303.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.