Thương mại, dịch vụ "tuột dốc" vì đại dịch

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng Tư, Tổng cục Thống kê nhận định trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa công bố.

“Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội”, cơ quan thống kê cho biết.

thuong mai dich vu tuot doc vi dai dich

Dữ liệu cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước - một sự thay đổi rất đáng lo ngại khi cùng kỳ năm 2019 chỉ tiêu này tăng tới 10,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.520 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%.

Cần lưu ý rằng tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào GDP, có tác động rất lớn đến xu hướng tăng trưởng kinh tế.

Chẳng hạn như trong mức tăng 3,82% GDP quý I năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng cao nhất tới 3,07% so với cùng kỳ năm 2019; tích lũy tài sản chỉ tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.

Tiêu dùng cuối cùng là tổng chi cho tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của các đơn vị thường trú trong năm báo cáo, bao gồm chi mua hàng hóa và dịch vụ của các đơn vị kinh tế trong nước và nước ngoài để thoả mãn các nhu cầu về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần. Tiêu dùng cuối cùng được chia thành tiêu dùng cuối cùng thực tế của Chính phủ và tiêu dùng cuối cùng thực tế của hộ gia đình.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 1.224,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 4,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,2%; may mặc giảm 4,4%; phương tiện đi lại giảm 6,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10%.

“Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây”, Tổng cục Thống kê lưu ý thêm.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước tính đạt 143 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng mức và cũng giảm mạnh tới 23,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%).

Nguyên nhân giảm doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống là do thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình đã tạm ngừng hoạt động để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh ở hầu hết các địa phương có thế mạnh về du lịch, như: Khánh Hòa giảm 52,1%; TP. Hồ Chí Minh giảm 45%; Hà Nội giảm 42,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 42,4%; Đà Nẵng giảm 41,4%; Quảng Bình giảm 34,9%; Cần Thơ giảm 30,7%; Quảng Ninh giảm 25,3%...

Tương tự, doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm ước tính đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và cũng giảm mạnh tới 45,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,6%).

"Doanh thu du lịch lữ hành giảm là do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội", Tổng cục Thống kê lý giải.

Doanh thu dịch vụ khác 4 tháng đầu năm ước tính đạt 144,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng mức và giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuong-mai-dich-vu-tuot-doc-vi-dai-dich-101213.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.