![]() | Hà Nội: Không thể gỡ hết việc cách ly xã hội |
![]() | Hà Nội dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 5 |
![]() |
Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy phát biểu tại Hội nghị |
Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc, nhiều khách vãng lai, Thủ đô Hà Nội là một địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước (số ca lây nhiễm nhiều nhất, nhiều ổ dịch phức tạp như: Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi…).
Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Quý I/2020 của Hà Nội cho thấy: Tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, GRDP đạt 3,72%, tuy không đạt kế hoạch nhưng là kết quả nỗ lực, cố gắng rất lớn của Thành phố trong điều kiện bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với các Thành phố lớn trong nước và khu vực (cao gấp 9 lần mức tăng 0,42% của TP.Hồ Chí Minh nhưng thấp hơn tốc độ tăng GDP cả nước.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng thấp: 7,4% (cùng kỳ tăng 10,2%); Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 11%); Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1% (cùng kỳ tăng 12,9%); Kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3% (cùng kỳ tăng 3%).
Khách du lịch giảm mạnh, giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%), công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 23,4% (cùng kỳ đạt 74,9%).
Bên cạnh đó, trong khi sản xuất nông nghiệp cả nước tăng nhẹ 0,08% thì lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội tăng trưởng âm 1,17%. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… cũng thấp hơn so với cả nước. Giải ngân đầu tư công đạt rất thấp, tính đến 20/4 mới đạt 15%, nhiều dự án đầu tư công, tư nhân, PPP bị ách tắc… Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhất là giá thịt lợn tăng cao;
Tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy là Hà Nội đi đầu chống dịch Covid-19 và đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư Thành ủy yêu cầu Hội nghị phải trả lời được câu hỏi “Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19; liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không?”. Và để làm điều đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, quận, huyện doanh nghiệp và người dân phải làm gì?
Bí thư cũng khẳng định: Thành ủy và UBND Thành phố đã không bỏ quên, đã âm thầm, lặng lẽ nhưng cũng rất quyết liệt trên mặt trận thứ hai - mặt trận kinh tế với chủ trương thực hiện “nhiệm vụ kép” ngay từ những ngày đầu chống dịch.
Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã làm việc, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội (tăng cường sản xuất nông nghiệp, về dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố; về giải ngân vốn đầu tư công; làm việc với Đảng bộ khối doanh nghiệp Hà Nội và 11 Tổng công ty lớn của Thành phố.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đã đối thoại với Doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, là địa phương đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ quan tâm làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về kinh tế, xã hội…).
Hội nghị đã thống nhất tinh thần phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5% với 3 kịch bản phát triển cụ thể:
Kịch bản 1: Đến 22/4 hoặc 3/5/2020 hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.
Kịch bản 2: Dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong quý II nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
UBND Thành phố sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Bí Thư thành ủy nhắc nhở thêm Hà Nội cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phấn đấu nông nghiệp tăng trưởng đạt 4-5%, phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần “góp gió thành bão”. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân, đẩy mạnh sản xuất những lĩnh vực, mặt hàng có lợi thế trong điều kiện phòng, chống dịch (hóa chất, khẩu trang, thuốc sát trùng, dược phẩm…) hoặc cần thiết và có tiềm năng phát triển mạnh như: Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến…
Diễn ra trong cả ngày 22/4/2020, Hội nghị đang và sẽ thảo luận những định hướng, giải pháp thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và những nhiệm vụ và công tác trọng tâm cho 9 tháng tới.
Hội nghị cũng sẽ bàn và cho chủ trương về một số dự án lớn và Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội như điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh), hai tuyến đường sắt đô thị số 3 (Ga Hà Nội - quận Hoàng Mai) và số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc). Hội nghị cũng bàn các nội dung chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và công tác cán bộ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ha-noi-di-dau-trong-chong-dich-covid-19-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-100868.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.