Kinh doanh thiết bị y tế: Cần nghiêm trị việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như trang thiết bị vật tư y tế và nhu yếu phẩm cần thiết cho phòng, chống dịch bệnh.
Đánh giá cao một số DN trong nước nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế phòng chống dịch

Thời gian gần đây, nhận thấy nhu cầu lớn của người dân về mặt hàng khẩu trang, quần áo và kính bảo hộ y tế chống dịch nên nhiều công ty, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế bất chấp quy định đã vi phạm nghiêm trọng về sản xuất và kinh doanh mặt hàng này ra thị trường. Các trường hợp vi phạm điển hình như làm giả nhãn mác, hàng không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng... và rất nhiều vụ bị lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện và xử phạt. Thực tế này đòi hỏi các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời cần có những chế tài mạnh để xử lý nghiêm những hành vi gian lận của những DN này.

Kinh doanh thiết bị y tế: Cần nghiêm trị việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi
Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế

Điển hình, ngày 10/4/2020, Đội QLTT số 26, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hà Đông tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh của Công ty TNHH Hưng Thịnh tại khu đô thị Văn Phú, Phú La, Hà Đông. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 110.450 chiếc khẩu trang chống bụi 3 lớp KT5, 14.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn"Look at Me", 4.100 bộ quần áo bảo hộ, 600 chiếc kính đeo mắt bảo hộ không có nhãn mác, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Quá trình làm việc, Giám đốc công ty khai nhận do biết nhu cầu lớn của người dân về mặt hàng khẩu trang, quần áo và kính bảo hộ y tế nên đã mua nguyên liệu, thuê gia công hàng nhái để bán kiếm lời. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật nêu trên. Hồ sơ vụ việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Hay như trước đó, ngày 8/4, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp cùng Đội 7, Phòng PC03, Công an TP. Hà Nội, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ y tế Đức Anh (có địa chỉ tại số 5 ngõ 178, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang thực hiện đóng gói hàng ngàn mặt hàng quần áo bảo hộ y tế có nhãn Phúc Hà và nhãn QT. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại cơ sở có 9.419 sản phẩm là vật tư y tế, thiết bị y tế: các loại kit thử nhanh, máy đo nước tiểu, máy đo huyết áp… do nước ngoài sản xuất, cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định. Bước đầu, bà Trương Thị Bình, sinh năm 1982 (là Phó giám đốc Công ty Đức Anh) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Bà Bình cho biết, các sản phẩm trên được mua trôi nổi trên thị trường rồi in nhãn mác, đóng gói các sản phẩm của đơn vị khác để rao bán trên mạng xã hội bán kiếm lời.

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội vừa chính thức phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam 3 bị can làm giả hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ ở Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ y tế Đức Anh. Ba đối tượng chính của vụ án gồm Trương Thị Bình (Phó giám đốc Công ty Đức Anh), La Văn Thi (Phụ trách bộ phận kinh doanh của Công ty Đức Anh) và Nguyễn Đức Việt Anh (nhân viên Công ty Đức Anh). Đây cũng là bài học răn đe cho các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi liên quan đến thiết bị y tế.

Theo Tổng cục QLTT, những ngày gần đây số vụ vi phạm và bị xử phạt vẫn có chiều hướng gia tăng. Đơn cử như ngày 18/4/2020, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, giám sát 65 cơ sở, xử lý 4 cơ sở, phạt tiền 55,2 triệu đồng; Ngày 19/4/2020, kiểm tra, giám sát 36 cơ sở, xử lý 1 cơ sở, phạt tiền 10 triệu đồng; Ngày 20/4/2020, kiểm tra, giám sát 52 cơ sở, xử lý 6 cơ sở, phạt tiền 92,5 triệu đồng. Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, với thực trạng các vụ vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế.

Trước thực trạng này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như trang thiết bị vật tư y tế và nhu yếu phẩm cần thiết cho phòng, chống dịch bệnh. Khẩn trương xác minh, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi (như đầu cơ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh...).

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-doanh-thiet-bi-y-te-can-nghiem-tri-viec-loi-dung-dich-benh-de-truc-loi-100835.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.