![]() | Đảm bảo không thiếu hàng hóa thiết yếu |
Đảm bảo nguồn cung các hàng hóa thiết yếu
Thị trường hàng hóa trong nước từ sau Tết Nguyên đán là giai đoạn bắt đầu bị tác động lớn bởi dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng tập trung cao vào các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh... và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh ở trong và ngoài nước, người dân có thể lo ngại về nguồn cung hàng hóa thiết yếu nên có những thời điểm tạo ra khan hiếm hàng hóa cục bộ, gây bất ổn thị trường và tăng khả năng lây lan dịch bệnh.
![]() |
Nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn được đảm bảo |
Do nhận định sớm tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 2/2020, Bộ Công thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường, kịp thời triển khai một số hoạt động như: Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn khẩn trương triển khai các phương án tăng cường nguồn cung cấp hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; Chỉ đạo Sở Công thương các địa phương bám sát tình hình thị trường, trường trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường; Có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang...
Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly (nếu có); Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm vừa đảm bảo cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, vừa bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19; Phối hợp ngay với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường.
Việc xây dựng các kịch bản này giúp cho địa phương chủ động trong việc có phương án huy động nguồn hàng trong trường hợp cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về vấn đề này. Theo đó, nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong trường hợp vượt ngoài khả năng điều phối của địa phương, Bộ Công thương cũng đã có phương án để hỗ trợ, điều phối nguồn hàng thiết yếu liên tỉnh khi cần thiết, tập trung vào các nhóm hàng hóa thiết yếu gồm gạo, thịt gia súc, gia cầm, sữa, mỳ gói, xăng dầu, giấy vệ sinh, khẩu trang…
Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xuất hiện những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển và cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩn thiết yếu cho thị trường, Bộ Công thương đã thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp phân phối và Sở Công thương các địa phương để kịp thời tháo gỡ, kịp thời xử lý bảo đảm cho hàng hóa thông suốt.
Bên cạnh đó, để tăng cường các điểm bán hàng, cung cấp thuận lợi hơn cho người dân các nhu yếu phẩm, Bộ Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Công thương các địa phương báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các sở ban ngành trên địa bàn hỗ trợ DN mở các điểm bán hàng tạm, dã chiến trong giai đoạn dịch bệnh để đảm bảo giãn cách xã hội, hoặc để xử lý cho tình huống điểm bán hàng của các siêu thị phải phong tỏa cách ly trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, để đảm bảo nguồn cung khẩu trang vải cho người dân, Bộ Công thương cũng đã triển khai chương trình kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối tại các địa phương. Bộ cũng thường xuyên cập nhật thông tin các điểm bán hàng khẩu trang trên trang thông tin điện tử của bộ để thông tin công khai đến người dân.
Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Đại diện Bộ Công thương chia sẻ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 16/4/2020, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cụ thể: Đối với các ngành sản xuất kinh doanh thực hiện giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và thấp điểm.
Tổng thời gian hỗ trợ giảm giá điện là 3 tháng và được thực hiện theo kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày ban hành công văn số 2698/BCT-ĐTĐL. Số tiền ngành điện hỗ trợ các DN khoảng trên 6,1 nghìn tỷ đồng. Về mức giảm tiền điện, trong thời gian qua có một số cơ sở đã được sử dụng để trực tiếp tham gia cách ly, khám bệnh và điều trị cho người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN và hướng dẫn thực hiện giảm tiền điện cụ thể: giảm 100% tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 (không phải khách sạn).
Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế và các khách sạn được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị, cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.
Tổng số tiền hỗ trợ giá điện, giảm tiền điện ước khoảng 11 nghìn tỷ đồng tương ứng với số tiền doanh thu giảm của EVN.
Trong quá trình triển khai, Bộ Công thương sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện đảm bảo đúng đối tượng, đúng thời gian qua đó góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị tác động của dịch Covid-19, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chung-tay-binh-on-thi-truong-100834.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.