![]() | Tổng doanh thu mua bán nợ của DATC đạt hơn 1.000 tỷ đồng |
![]() | DATC thoái 40,3 tỷ đồng tại Maritime Bank |
![]() | DATC sẽ thực hiện một số quyền giúp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu |
Công cụ hồi sinh các DN “chết lâm sàng”
Trong nhiều năm qua, DATC là định chế tài chính duy nhất được Chính phủ giao nhiệm vụ mua bán, xử lý nợ và tái cơ cấu các DN. Đồng thời đơn vị này cũng là công cụ quan trọng tham gia vào quá trình tái cơ cấu DNNN để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN theo lộ trình của Chính phủ.
Kể từ khi thành lập (2003) đến nay, với nhiệm vụ “hồi sức cấp cứu” cho các DN yếu kém, thua lỗ; thậm chí là “hồi sinh” cho các DN “chết lâm sàng”, DATC đã hỗ trợ tái cơ cấu thành công vài chục DNNN cả lớn và nhỏ. Trong đó, có thể kể đến những DN đã được DATC tái cấu trúc thành công trong giai đoạn đầu, như: CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP Mía đường Sơn La, CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, CTCP Cầu 14, CTCP Thực Phẩm miền Bắc, CTCP Gang thép Hàn Việt… Từ năm 2010, DATC tham gia sâu hơn vào việc thực hiện các phương án tái cơ cấu các Tổng Công ty Nhà nước. Đơn vị này đã khôi phục hoạt động của TCT Dâu tằm tơ Việt Nam. Sau đó đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc TCT Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
![]() |
Mặc dù một số dự án đã có lãi nhưng số lỗ lũy kế của 10/12 dự án yếu kém ngành Công thương vẫn rất lớn, khoảng trên 16.100 tỷ đồng |
Ngoài việc tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu các DNNN, DATC cũng là định chế tài chính có vị thế lớn trong việc hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Thông qua hoạt động liên kết với các TCTD trong nước, đơn vị đã từng phát hành thành công 17.000 tỷ đồng trái phiếu cho Vinalines để cơ cấu lại 30.000 tỷ đồng nợ xấu cho DN này. DATC cũng đã từng phát hành hối phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để hỗ trợ Techcombank thu hồi vốn và cơ cấu nợ vay lại của Vinashin từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế.
Theo thống kê của DATC, đến cuối 2019 đơn vị đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ khoảng 3.000 DN xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng khi cổ phần hóa. Đơn vị cũng đã tiếp nhận khoảng 5.000 tỷ đồng nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị DN khi cổ phần hóa. Việc này đã giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa cho hàng trăm DNNN trong các năm vừa qua. Chính vì vậy, hiện nay nếu DATC được Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép tham gia vào xử lý nợ tại các dự án thua lỗ của ngành Công thương, thì rất có thể quá trình tái cơ cấu các dự án này sẽ có nhiều khởi sắc.
Cần thiết nhưng vẫn lo về nguồn lực
Theo quan điểm của Chính phủ, trong năm 2020 các vướng mắc trong quyết toán các hợp đồng tổng thầu EPC và các giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng đối với một số dự án thuộc 12 dự án yếu kém sẽ được xử lý dứt điểm. Chính phủ cũng kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, DN đang thua lỗ. Dự án nào không thể phục hồi thì có thể giải thể và cho phá sản. Vì thế, trong thời điểm này, việc chỉ đạo DATC tham gia vào quá trình tái cơ cấu các dự án thua lỗ có thể xem là một cửa sáng cần thiết để các dự án, DN yếu kém bấu víu và xoay sở.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ phía DATC cũng thấy rằng, hiện nay mặc dù đóng vai trò lớn trong việc tái cơ cấu các DNNN, nhưng đơn vị này cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất cân bằng về tài chính và khả năng nguồn lực để tham gia tái cấu trúc các dự án yếu kém là không lớn.
Báo cáo đã kiểm toán năm 2018 của DATC cho thấy, tổng tài sản của DN này đến hết năm tài chính 2018 là khoảng 27.165 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 21.406 tỷ đồng (tăng hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm 2018). Năm 2018, tổng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của DATC chỉ đạt gần 1.470 tỷ đồng, giảm 34,6% so với năm trước và lợi nhuận gộp từ hoạt động này chỉ đạt hơn 14,3 tỷ đồng.
Bước sang 2019 hoạt động của DATC có sáng sủa hơn với doanh thu từ hoạt động mua bán nợ khoảng 2.090 tỷ đồng nhưng “chiếc áo” pháp lý mà DATC đã quá chật chội khi Nghị định thay thế Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg về thành lập DATC vẫn chưa được hoàn thiện và ban hành. Trong khi đó, thị trường mua bán nợ đã có nhiều thay đổi sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP (về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ) và Quốc hội cũng cho phép thí điểm xử lý nợ xấu tại các TCTD với Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay để DATC có thể có nguồn lực tham gia sâu vào tái cơ cấu các dự án, DN yếu kém của ngành Công thương thì trước mắt địa vị pháp lý của DN này cần được nâng cao. Theo đó, đối tượng mua bán nợ của DATC cần được mở rộng; mức độ xử lý tài chính đối với các DN khách nợ, hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn với DN tái cơ cấu cần được tính toán thay đổi. Các cơ chế trích lập dự phòng nợ đã mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC cũng cần được quy định lại.
Trong khi, DATC hiện nay đơn vị này đã bắt đầu áp dụng phương pháp xử lý nợ thu nợ có chiết khấu theo mô hình của Thái Lan để xử lý giảm trừ giá trị các khoản nợ của đối tác tham gia xử lý nợ và tái cơ cấu. Tuy nhiên, do quy định của Thông tư 135/2015/TT-BTC, DATC vẫn chưa thể chủ động quyết định phương án giảm nợ, xóa nợ mà chỉ có thể áp dụng theo khung giới hạn làm giảm hiệu quả xử lý nợ tại các DN yếu kém.
Đại diện DATC cho biết, hiện nay nhiều DN không có nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn vay tại các NHTM. Vì thế nếu triển khai triệt để và hiệu quả được phương pháp thu nợ chiết khấu thì có thể sẽ “tiếp máu” kịp thời cho các DN suy kiệt và tạo điều kiện tái cơ cấu, phục hồi sản xuất. Do đó, trong thời gian tới DATC sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những điều khoản đổi mới trong dự thảo Nghị định thay thế Quyết định 109/2003 của Chính phủ. Từ đó mở ra cơ hội tham gia xử lý hiệu quả hơn các dự án, DN yếu kém, nhất là 12 dự án thua lỗ lớn của ngành Công thương đã kéo dài trong suốt nhiều năm nay.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dai-du-an-thua-lo-ky-vong-gi-tu-datc-100723.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.