Kinh tế số là cơ hội để tăng năng suất lao động

“Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế”, Báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 của Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh.

Với tiêu đề “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”, ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) công bố.

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam định lượng tác động của kinh tế số đến năng suất lao động (NSLĐ) các ngành, các khu vực của nền kinh tế, đồng thời cũng dự báo tác động của kinh tế số đến NSLĐ tổng thể cho đến năm 2030. Đồng chủ biên ấn phẩm này là GS.TS.Trần Thọ Đạt (nguyên Hiệu trưởng NEU) và GS.TS.Tô Trung Thành (Trưởng phòng Quản lý Khoa học của NEU).

nang suat lao dong cua viet nam o tang day asean
Ảnh minh họa

Nói về việc chọn nghiên cứu cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số, GS.TS.Tô Trung Thành nhấn mạnh: “Năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Năng suất thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững”.

Thúc đẩy tăng trưởng năng suất hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng. Tuy nhiên việc cải thiện năng suất ở Việt Nam vẫn rất chậm so với yêu cầu và cũng gặp nhiều khó khăn. Và “mức NSLĐ của Việt Nam thuộc hàng đáy của các quốc gia ASEAN, thậm chí thấp hơn Philippines, Lào và Myanmar, chỉ cao hơn Campuchia”, ấn phẩm này cho biết.

So với một số quốc gia khác trong khối ASEAN, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng khoảng 1/5 Malaysia; so với Thái Lan và Trung Quốc bằng khoảng 1/3; so với Indonesia bằng khoảng 1/2; và gần bằng một nửa NSLĐ trung bình của khối.

“Để bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, Việt Nam cần đến sự đóng góp mạnh mẽ hơn nữa của yếu tố tăng NSLĐ. Để có thể đạt được mức độ tăng cao hơn nữa của NSLĐ trong giai đoạn sắp tới, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng cũ đã gần hết dư địa, chắc chắn cần phải có động lực mới. Nền tảng công nghệ số và kinh tế số là một lựa chọn đó”, PGS.Tô Trung Thành phát biểu.

Ấn phẩm này đã đánh giá thực trạng kinh tế số tại Việt Nam và đánh giá tác động đến năng suất lao động tổng thể, năng suất lao động theo ngành sản xuất, năng suất lao động theo các khu vực kinh tế. Đồng thời phân tích triển vọng kinh tế số tại Việt Nam và dự báo các kịch bản tác động của kinh tế số đến năng suất lao động tổng thể, năng suất lao động theo ngành sản xuất, năng suất lao động theo các khu vực kinh tế cho đến năm 2030. Báo cáo không những nghiên cứu năng suất ở khu vực chính thức, mà còn nghiên cứu ở khu vực phi chính thức, cá thể.

Và tại ấn phẩm này đã đề xuất các khuyến nghị chính sách và hệ thống các giải pháp để gia tăng nhanh năng suất của nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2030 trong bối cảnh kinh tế số.

Điều đặc biệt ở Báo cáo này là sự mở rộng trong khái niệm về kinh tế số. Theo đó, kinh tế số được hiểu là toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng và diễn ra dựa trên nền tảng số. Như vậy, kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…) mà công nghệ số được áp dụng.

Kinh tế số vì vậy không chỉ bao gồm ngành công nghệ - thông tin, mà còn bao gồm tất cả các ngành, lĩnh vực có mô hình kinh doanh gắn liền với công nghệ số, kể cả những ngành lĩnh vực truyền thống có đưa công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Công nghệ số có khả năng ứng dụng ở hầu hết các ngành kinh tế, có thể tạo nên những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và NSLĐ trong các ngành kinh tế. Một số ngành có thể sớm tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất như: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải - logistics, tài chính - ngân hàng…

Công nghệ số sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí kinh tế ngành theo những cách chưa từng có. Và kinh tế số chắc chắn sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới. Tự động hóa, số hóa sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế, góp phần làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và sử dụng ít lao động hơn.

Báo cáo nghiên cứu này cũng làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2019 và đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam và các chính sách năm 2019, những thành tựu và những tồn tại hạn chế, phân tích nguyên nhân của các hạn chế. Đồng thời, nêu lên những cơ hội và thách thức trong năm 2020, định lượng đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và những khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch bệnh.

Từ đó ấn phẩm đã nêu khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2020 và những năm tiếp theo và các khuyến nghị chính sách cụ thể với mục tiêu cải thiện NSLĐ trong bối cảnh kinh tế số cho đến năm 2030.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-so-la-co-hoi-de-tang-nang-suat-lao-dong-100459.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.